(GLO)- Trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, các đảng viên và tầng lớp nhân dân tỉnh nhà đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội. (nguồn: TTXVN) |
* Chị Đỗ Thị Đài Trang-Bí thư Xã đoàn Ia Rsươm (huyện Krông Pa):
Đây là kỳ Đại hội được tổ chức khi đất nước đang đứng trước những khó khăn, thử thách đi kèm với cơ hội lớn để phát triển và hội nhập nên lớp thanh niên như chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng. Mong rằng trong nhiệm kỳ tới, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến thanh niên-lực lượng xung kích trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi hiện nay, công tác này chưa thực sự được quan tâm đúng mức dẫn đến việc phong trào Đoàn ở cơ sở vẫn chưa hoạt động hiệu quả, chưa phát huy đúng tiềm năng của thanh niên. Bên cạnh đó, mong chính quyền các cấp sớm giải quyết vấn đề việc làm cho thanh niên đến tuổi lao động hiện đang thất nghiệp vì đây là một vấn đề khá cấp thiết trên địa bàn. Chỉ đến khi giải quyết được vấn đề việc làm và thu nhập cho thanh niên thì phong trào Đoàn mới thực sự bền vững và lớn mạnh.
* Thầy Trần Đăng Khoa-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (xã Chư Mố, huyện Ia Pa):
Từ nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Là người giáo viên vùng sâu, tôi mong rằng sau Đại hội, Đảng sẽ quan tâm đến một số vấn đề mấu chốt, như hỗ trợ kịp thời, đầy đủ cho học sinh về chi phí học tập, quần áo, gạo ăn… theo Nghị định 74. Với học sinh ở những vùng sâu, vùng xa, chỉ có như vậy mới mong giữ sĩ số ổn định. Bên cạnh đó cần cấp bổ sung sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo. Về việc thực hiện Chỉ thị 29 trong đổi mới giáo dục một cách toàn diện, tôi cho rằng cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ, đặc biệt là về nhân lực, chất lượng giáo viên. Phải đào tạo và đào tạo lại để nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhà giáo bởi có thầy hay, thì trò mới giỏi. Điều này cũng phải đi kèm với các chính sách thu hút nhân tài về các vùng sâu, vùng xa, không để tình trạng chênh lệch ngày càng lớn như hiện nay giữa các vùng nông thôn và thành thị.
* Ông Rơ Ô Toang-Bí thư chi bộ buôn Ngô (xã Uar, huyện Krông Pa):
Tôi mong muốn sau Đại hội, Đảng bộ các cấp sẽ có nhiều chính sách đúng đắn để giúp đỡ các hộ nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số một cách phù hợp, tránh lãng phí để họ có thể vươn lên thoát nghèo, thúc đẩy kinh tế ở từng địa phương. Đặc biệt, lãnh đạo các cấp cần quan tâm hơn nữa đến việc tạo công ăn việc làm cho các con em đã học xong đại học, cao đẳng. Hiện nay, nhiều con em đã có bằng cấp, có trình độ, kiến thức nhưng lại chưa được bố trí công việc một cách phù hợp. Đồng thời phải xác định được cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của huyện, đặc biệt là cây công nghiệp; ví dụ trên địa bàn từng phát triển cây điều nhưng đã phá vỡ quy hoạch vì không hiệu quả.
* Ông Lê Văn Định (thôn Hải Hà, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện):
Cuộc sống người dân trong thôn tôi nhiều năm nay sống bằng cây lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ nên kinh tế rất khó khăn. Năm nay, chúng tôi thử chuyển từ việc trồng lúa sang khoai lang, thu nhập cũng chỉ hơn cây lúa khoảng một triệu đồng trên cùng một diện tích. Là người nông dân, trước thềm Đại hội Đảng XII, tôi rất mong được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng trong việc tìm hiểu những cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai, nơi ở của chúng tôi. Từ đó mới hướng dẫn người dân phương pháp canh tác, chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao, giúp xóa đói giảm nghèo một cách bền vững.
Lê Văn Ngọc (thực hiện)