TN - Đất & Người

Những điều nên học, nên làm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngôi làng... trắng

(GLO)- “Làng trắng” mà người viết muốn nói đến là những ngôi làng tái định cư, định canh ở một số địa phương của tỉnh Gia Lai. Những ngôi làng ấy vốn nằm trong vùng dự án thủy điện, thủy lợi, rừng phòng hộ..., Nhà nước phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để đầu tư, di dời với đầy đủ kết cấu hạ tầng, nhà ở, đất vườn, trường, lớp học, các công trình phụ trợ... Nhưng ở đó, nhiều nơi giờ đã thành chốn không người.

Tôi đã có dịp ghé qua các ngôi làng như: Tung, Gút (xã Krong, huyện Kbang). Được biết, tại 2 làng này, địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư xây nhà, làm đường, lập làng mới để rồi không bao lâu sau đó làng lại biến thành... vô chủ. Cách đây mấy năm, giữa trưa nắng như đổ lửa, tôi về làng Tung cùng với Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt, ngồi trong một ngôi nhà sàn bỏ không, mái lợp và tường bao quanh đều dùng vật liệu bằng tôn, cái nắng nóng khiến căn nhà ấy chẳng khác gì chảo lửa. Nhiều căn hộ giống nhau như đúc, cũng mái lợp tôn, trụ bê tông giả trụ nhà sàn, khác là tường xây gạch tuynel. Như hiểu ý, Bí thư Đạt bảo với tôi, rồi đây sẽ tiếp tục đầu tư và vận động bà con trồng cây trong vườn và dọc các lối đi, rà soát, giải quyết đất sản xuất cho bà con. Mới đây, trở lại mấy ngôi làng ấy, thì... vẫn như cũ. Tôi cũng đã có lần đến thăm một số làng tái định cư ở xã Ia Mơr (huyện Chư Prông); xã Ayun, xã Hbông (huyện Chư Sê)... thì thấy những làng này cũng lâm vào cảnh tương tự.

 

Nhiều ngôi nhà xây kiên cố trong khu tái định cư làng Gút (xã Krong, huyện Kbang) bị bỏ hoang. Ảnh: K.N.B
Nhiều ngôi nhà xây kiên cố trong khu tái định cư làng Gút (xã Krong, huyện Kbang) bị bỏ hoang. Ảnh: K.N.B

Vì sao có tình trạng như vậy? Rất nhiều câu trả lời. Trước hết, có lẽ... do quy chế dân chủ ở cơ sở không được tôn trọng, người làng không được chọn làng cho mình (tất nhiên phải phù hợp quy hoạch trong vùng), cho nên làng tái định cư là làng của... Nhà nước, nhà cũng của Nhà nước. Điều nữa, nếu chấp nhận có văn hóa làng, thì phong tục, tập quán sinh hoạt tốt đẹp bao đời của người làng cần được tôn trọng. Và bên cạnh đó là vận động, giải thích, chỉ dẫn cho bà con biết cách khai thác đất được giao, vườn được cấp cho việc tăng gia, sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với làng mới định cư. Đây là điều không hề dễ dàng, một sớm một chiều mà làm được đối với bà con dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa với thói quen nhiều đời du canh du cư, độc canh cây lúa rẫy và ruộng một vụ mỗi năm. Nhưng không vì thế lại không kiên trì, thậm chí đội ngũ cán bộ phải trở lại thời “ba cùng”, “bốn cùng” với bà con.

Làng Kueng Đơn (xã Hbông, huyện Chư Sê) nằm dọc theo 2 bên quốc lộ 25, chỉ cách thị trấn Chư Sê trên 10 km. Làng có gần 200 hộ, trong đó có 130 hộ bà con Jrai, Bahnar di dời khỏi lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ đã 14 năm nay. Mới đây, khi trở lại ngôi làng này, tôi thấy cũng chẳng khác gì những ngôi làng tái định cư ở xã Krong (huyện Kbang). Trong khi hơn 60 hộ người Kinh cùng làng Kueng Đơn thì cuộc sống lại khác. Vẫn đất ấy, vườn ấy, nhưng bà con người Kinh không hộ nào thiếu đói. Sau khi vòng quanh ngôi làng này, tôi cạn nghĩ, nếu bà con Jrai, Bahnar ở Kueng Đơn mà được các gia đình người Kinh chỉ bảo, hướng dẫn cách làm vườn, chăn nuôi trong vườn, thì chắc hẳn “vấn đề” đã trở nên khác đi. Ở đây tôi xin mở ngoặc nói vài câu, về chuyện cũ...

Ngày trước Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum Ksor Krơn, khi đặt vấn đề với Binh đoàn 15 nhận người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân các công ty, nông trường, yêu cầu Binh đoàn phải tổ chức kết nghĩa giữa hộ người Kinh với hộ người dân tộc thiểu số; qua đó, tạo mối quan hệ thân tình, đoàn kết, hiểu biết nhau; nhất là giúp đỡ bà con trong vùng đứng chân cùng vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Tôi được biết việc làm này của Binh đoàn đã thành công ngoài mong đợi. Một bài học cho các loại làng định cư đan xen giữa hộ người Kinh với bà con dân tộc thiếu số kiểu như Kueng Đơn chăng?

Cái khó có bó cái khôn?

Nhất thiết không thể để “cái khó bó cái khôn”, là người viết bài này nghĩ vậy. Cách nay chưa lâu, chúng tôi có chuyến đến mấy huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên-Huế như A Lưới, Nam Đông và Ba Tơ của Quảng Ngãi, là những địa phương bà con dân tộc thiểu số chiếm phần đông; khí hậu, đất đai, đặc biệt là địa hình không khác gì mấy của nhiều huyện phía Đông và Đông Nam Gia Lai. Mà ở đó, như  lãnh đạo các huyện trên cho biết, thì độ che phủ rừng của họ có nơi lên tới 95%. Rừng tự nhiên dù còn rất ít, song họ đã kịp thời có những chính sách giao khoán, khoanh nuôi, đi đôi với đó là những chính sách cụ thể, sát thực, động viên khuyến khích bà con trồng rừng kinh tế. Được biết, chừng 10 năm về trước, nơi đây có nhiều vùng đồi núi trơ trọc-hậu quả của một thời phá rừng vô tội vạ, thì giờ đây bà con nông dân đã biết tận dụng một cách tối đa có thể để trồng các loại cây lâm nghiệp cho năng suất, sản lượng cao như tràm, keo, cây ăn trái... Nếu là cây tràm thì sau 5 năm, mỗi ha cho nguồn thu trên dưới 100 triệu đồng/năm, tùy theo chất lượng cây. Tràm lại là loài cây chịu hạn, phát triển nhanh trên nhiều loại đất, kể cả đồi đất dốc, lại còn có tác dụng cải tạo, bồi bổ cho đất; cũng là loài cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, phù hợp với khả năng đầu tư và trình độ canh tác của bà con dân tộc thiểu số; thị trường tiêu thụ và giá cả hàng chục năm qua rất ổn định.

Cách làm như nói trên từ Binh đoàn 15, từ các nơi của xứ người là biện pháp giúp bà con miền ngược dần tiến kịp miền xuôi, lại vừa giữ được độ che phủ của rừng, lại vừa giải quyết việc làm, không những chỉ giảm nghèo mà là làm giàu bền vững cho bà con nông dân ở những vùng đất khó, giúp định canh, định cư ổn định, từ đó những ngôi “làng trắng” sẽ không còn. Phải chăng “người ta” đã không cam chịu với cái gọi là “cái khó bó cái khôn”, và đấy có phải là điều mà ta nên học, nên làm... theo? 

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm