TPHCM đang nỗ lực tối đa để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-7%, từ đó tạo bước “chạy đà” chuẩn bị chu kỳ kinh tế tốt hơn dự kiến sẽ quay trở lại vào quý 2-2024.
Thực tế, dù thành phố đã có nhiều biện pháp “can thiệp” mạnh mẽ, song nhiều khả năng không đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công là 95% trong năm 2023. Động thái gỡ khó cho doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn chậm, nhất là trong các lĩnh vực huyết mạch như bất động sản, đầu tư nước ngoài…
Tình trạng các doanh nghiệp cắt giảm lao động cộng với một bộ phận lao động có trình độ chờ cơ hội việc làm khác tốt hơn nên tỷ lệ lao động mất việc cũng tăng lên, đẩy số hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 9% so với cùng kỳ.
“Chiến dịch” thực thi Nghị quyết 98/QH15/2023 về thí điểm một số chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã được khởi động thông suốt nhưng trong quá trình chuyển động vẫn phải tập trung giải quyết các điểm còn “bập bênh” như: các phương án, đề án phân cấp, ủy quyền cho thành phố vẫn còn mắc kẹt thẩm quyền của trung ương (như thị trường carbon, điện áp mái…); kết nối Nghị quyết 98 với các đề án, chương trình đã được thành phố thông qua để triển khai đến từng sở ngành, quận huyện…
Có hai trụ đỡ cực kỳ quan trọng mà thành phố triển khai trong tâm thế làm trong 3 tháng cuối năm 2023 nhưng tạo đà cho các năm tới. Một là, trong các nghị quyết hợp tác, liên kết vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố một mặt thúc đẩy đầu tư nội thành, mặt khác chia sẻ tài nguyên nội vùng.
Cụ thể với hạ tầng giao thông đường bộ tập trung các dự án đường Vành đai 3-4, hai dự án đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Chơn Thành; thúc đẩy giao thông đường thủy bằng việc “phát huy” dòng chảy sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Hai là, thành phố tận dụng từ sớm, từ xa “đòn bẩy” Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, cùng bối cảnh quốc tế xoay trục đang có lợi cho Việt Nam và thành phố trong lĩnh vực cảng biển, năng lượng xanh, công nghệ bán dẫn.
Trong đó, chất lượng nguồn nhân lực vừa có sức ép (còn yếu và thiếu so với nhu cầu sắp tới) vừa là cơ hội (từ con số lực lượng lao động bậc cao trong ngành bán dẫn đang làm việc tại TPHCM). Do vậy, cùng lúc thành phố cần tập trung thu hút nhà đầu tư chiến lược để tăng nguồn lực cho các hạng mục mang tính tổ hợp cao như thúc đẩy giai đoạn tiếp theo của dự án chiến lược thuộc Tập đoàn Intel (giai đoạn tiếp theo), Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và xúc tiến các dự án liên quan đến 2 ngành chiến lược cho toàn vùng (Đông Nam bộ) là công nghiệp bán dẫn và chuyển đổi xanh.
Cuối cùng, có một công việc tưởng nhỏ nhưng lại góp phần tạo hiệu ứng xã hội chính là công tác truyền thông, với ý nghĩa sát sườn nhất là “nghe dân nói, nói dân nghe” để người dân hiểu, hợp tác, đồng thuận, trợ lực, nhất là ở các nghị quyết về quy hoạch chung, quy hoạch kinh tế - xã hội, các đề án về chuyển đổi, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và cả Nghị quyết 98, chính quyền đô thị…
Thành phố cần có một “nhạc trưởng” truyền thông để bên cạnh công khai, cập nhật thông tin còn đảm bảo trách nhiệm phát ngôn, nhất là với các vấn đề, đề án, dự án quan trọng, tác động lớn đến người dân, xã hội.
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)