Anh Rơ Châm Soan chăm sóc cây cà phê của gia đình mình.Ảnh: R.H |
Nhìn cơ ngơi khang trang cùng các vật dụng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện đại ít ai biết rằng để có được thành quả như ngày nay gia đình anh Rơ Châm Soan (SN 1994, làng Kép 1) đã phải nỗ lực rất nhiều trong cuộc sống.
Anh Soan cho biết: Năm 2012, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh được bố mẹ cho 2 ha đất trống. Lúc đó, do thiếu kiến thức và kinh nghiệm sản xuất, trên diện tích đất này gia đình anh trồng mì. Ngoài ra, do giá cả mì không ổn định nên vợ chồng anh phải đi làm thuê thêm để trang trải cuộc sống nhưng thu nhập vẫn bấp bênh.
Năm 2015, từ số tiền 20 triệu đồng vay từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua kênh hộ nghèo, anh đầu tư trồng cà phê. Đồng thời, chăn nuôi thêm gia súc và tận dụng các phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bắp để tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Ngoài ra, để có kiến thức cách chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây trồng, vật nuôi, anh thường xuyên tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm thêm từ các hộ gia đình ở địa phương. Năm 2017, sau khi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, anh mạnh dạn trồng thêm 50 cây sầu riêng xen canh trên diện tích 2 ha cây cà phê hiện có.
“Tiền tích lũy mình đều mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Nhờ đó, năm 2018, gia đình mình đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Hiện nay, gia đình mình sở hữu hơn 2 ha cà phê trồng xen với 50 cây sầu riêng, 1,7 điều, 4 sào bời lời, 4 sào lúa và 9 con trâu. Trừ tất cả chi phí, bình quân mỗi năm gia đình mình thu nhập hơn 400 triệu đồng. Kinh tế ổn định, mình sửa sang lại ngôi nhà khang trang và mua thêm các loại máy móc cần thiết phục vụ sản xuất cho gia đình và bà con trong xã”-anh Soan bộc bạch.
Cùng là tấm gương làm kinh tế giỏi, bình quân mỗi năm gia đình anh Rơ Châm Uy (SN 1985, làng Phung) thu nhập hơn 400 triệu đồng từ 2,5 ha cà phê trồng xen với 90 trụ tiêu và 100 cây sầu riêng.
Anh Uy bày tỏ: Năm 2010, sau khi lập gia đình, cuộc sống của anh rất khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, anh mạnh dạn vay vốn để đầu tư trồng cà phê, hồ tiêu trên diện tích 2 ha đất trống được bố mẹ cho. Tích góp được vốn trong sản xuất, cách đây 5 năm, gia đình anh tiếp tục trồng thêm 100 cây sầu riêng và mua thêm 5 sào đất để mở rộng sản xuất, cải thiện thu nhập. Nhờ biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh nên cây cà phê, hồ tiêu, sầu riêng của gia đình phát triển tốt.
“Riêng đợt thu hoạch cà phê năm 2023 vừa qua, trên diện tích 2,5 ha gia đình mình thu được 50 tấn cà phê tươi, bán với giá 12.000 đồng/kg, trừ chi phí thu được hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, 100 cây riêng cũng đang phát triển tốt, trong đó, 20 cây đã thu bói. Thời gian tới, ước tính thu nhập của gia đình sẽ tăng lên”-anh Uy bày tỏ.
Anh Rơ Châm Uy có thu nhập khá nhờ trồng cà phê, hồ tiêu và sầu riêng. Ảnh: R.H |
Trò chuyện với chúng tôi, anh Rơ Châm Khên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phung cho biết: Ngoài gia đình anh Uy, trên địa bàn làng Phung còn có nhiều hộ gia đình Jrai khác làm kinh tế giỏi dựa vào sản xuất nông nghiệp với cây trồng chủ lực là cà phê trồng xen sầu riêng và chăn nuôi gia súc gia cầm.
“Làng Phung có 127 hộ/443 khẩu với 90% là người Jrai. Hiện, làng có 122,8 ha cà phê xen sầu riêng; gia súc, gia cầm hơn khoảng 2.200 con. Đến nay, làng còn 3 hộ nghèo. Số hộ gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm chiếm hơn 60%”-anh Khên cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông thông tin: Toàn xã có 1.063 hộ với 4.186 khẩu, trong đó, người Jrai chiếm hơn 79%. Hiện, toàn xã có 154 ha cây ăn trái chủ yếu trồng xen canh, gồm: sầu riêng, bơ, mít, mắc ca, chuối, chanh dây…
Thời gian qua, nhờ chăm chỉ lao động và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên đời sống của nhiều hộ người Jrai từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên đáng kể. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 48,9 triệu đồng. Hiện xã chỉ còn 52 hộ nghèo (tiêu chí mới), trong đó, hộ nghèo người Jrai là 47 hộ.