Vitamin đóng vai trò rất quan trọng với sức khỏe, giúp cho mắt, da, tóc, hệ thần kinh, miễn dịch và các cơ quan khác trong cơ thể hoạt động hiệu quả. Vitamin cũng giúp cơ thể phát triển và ngăn ngừa bệnh tật, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).
Nhiều nghiên cứu khoa học đã phát hiện thiếu vitamin trong thời gian dài sẽ dễ mắc một số loại ung thư. Một trong những lời giải thích cho hiện tượng này vì vitamin là loại dưỡng chất giúp tăng cường miễn dịch và hoạt động như chất chống ô xy hóa, có tác dụng bảo vệ tế bào trước tổn thương từ các gốc tự do.
Các loại vitamin bị thiếu có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư gồm:
Vitamin D
Thiếu vitamin D trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng và bàng quang. Đặc biệt, một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin D làm tăng 31% nguy cơ mắc ung thư đại trạng.
Vitamin C
Vitamin C còn được gọi là axit ascorbic và cũng là một chất chống ô xy hóa mạnh. Loại vitamin này có tác dụng tăng cường phản ứng miễn dịch, kích thích vết thương mau lành và hình thành collagen trên da.
Vì vai trò quan trọng với sức khỏe nên thiếu vitamin C trong thời gian dài không chỉ ảnh hưởng đến miễn dịch mà còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, dạ dày và phổi.
Vitamin B12
Nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin B12 trong thời gian dài có thể gây thiếu máu ác tính. Tình trạng này cũng khiến hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong dạ dày, từ đó là tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ngoài ra, tình trạng thiếu vitamin B12 cũng xuất hiện ở những người mắc ung thư máu như bệnh bạch cầu hay ung thư hạch bạch huyết.
Vitamin A
Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, đóng vai trò cực kỳ quan trọng với sự phát triển của tế bào, phản ứng miễn dịch và thị lực. Nghiên cứu cho thấy thiếu vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư dạ dày, thực quản và phổi, theo Verywell Health.
Theo Ngọc Quý (TNO)