Bạn đọc

Những năm tháng cuối đời của Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi đến Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang) để sưu tầm thêm tư liệu, phục vụ triển lãm tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của người anh hùng huyền thoại (2/5/1914-2/5/2024).

Trong chuyến đi này, chúng tôi may mắn gặp được bà Giang Kim Năm (SN 1956)-con dâu của Anh hùng Núp, người đang trực tiếp hương khói cho ông tại gia đình. Bà Năm đã cung cấp cho chúng tôi nhiều tư liệu quý và kể lại câu chuyện xúc động về những năm tháng cuối đời của ông.

Bà Giang Kim Năm-Con dâu Anh hùng Núp (người ngồi bên tay phải), đang kể lại câu chuyện về những năm tháng cuối đời của Bok Núp. Ảnh: Anh Minh

Bà Giang Kim Năm-Con dâu Anh hùng Núp (người ngồi bên tay phải), đang kể lại câu chuyện về những năm tháng cuối đời của Bok Núp. Ảnh: Anh Minh

Dù nắng như đổ lửa nhưng trời Kbang trong xanh, rất đẹp. Từ đường Đông Trường Sơn, chúng tôi rẽ vào con đường dẫn tới di tích. Sau khi thu thập xong tư liệu, chúng tôi đến thắp hương cho ông ở ngôi nhà cạnh bên Nhà lưu niệm. Trong không khí trầm lắng, bảng lảng khói hương, bà Giang Kim Năm hồi tưởng và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những ngày Anh hùng Núp đau bệnh do tuổi cao sức yếu. Cùng với vợ của ông là bà Ch'rơ thì bà Giang Kim Năm là người luôn bên cạnh ông lúc cuối đời.

Năm 1994, Anh hùng Núp bị ốm nặng nên được Đảng và Nhà nước đưa ra Bệnh viện Quân y 108 để chữa trị. Sau khi bệnh tình thuyên giảm, ông trở lại Pleiku, dưỡng bệnh tại căn nhà ở hẻm 9A (số cũ) Phan Đình Phùng do Nhà nước cấp. Thời gian sau này, sức khỏe ông giảm sút rõ rệt, thường xuyên bị cao huyết áp nên được chuyển vào điều trị nội trú tại Khoa Nội 4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Cũng từ đây, phòng điều trị trở thành ngôi nhà lúc cuối đời của ông, các y-bác sĩ thành người thân, cận kề chăm sóc sức khỏe cho người anh hùng của núi rừng Tây Nguyên.

Bà Giang Kim Năm chậm rãi nói: “Từ khi ba tôi chuyển vào ở hẳn trong bệnh viện, phòng bệnh của ông lúc nào cũng có khách khứa ra vào tấp nập. Các đoàn khách đến Gia Lai công tác đều tranh thủ ghé thăm và trò chuyện với ba”. Nói về sinh hoạt thường ngày của người anh hùng, bà Năm cho biết: “Ở bệnh viện, hàng ngày ba tôi được bệnh viện cấp các suất ăn đảm bảo dinh dưỡng, nhưng ông vẫn thèm món lá mì xào cà đắng dân dã. Vì vậy, tôi thường làm món này ở nhà và nhờ con cháu mang vào viện. Ba tôi thích ăn gạo của làng, nên tôi thường mua cá khô, mắm muối ở trên này mang về Kon Gang đổi lấy gạo để nấu cơm cho ông ăn. Mỗi bữa ăn ba tôi thường thích bà Ch’rơ xúc cơm cho ăn. Khi được bà xúc cơm, ông vui vẻ ăn, còn không thì ông phụng phịu không chịu như trẻ con".

Anh hùng Núp (1914-1999) (ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Anh hùng Núp (1914-1999) (ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Bà Giang Kim Năm kể thêm, người cháu gái (gọi bà bằng dì) là bà Y Phương (hiện nay đang công tác tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai) khi đó ở với bà, thường xuyên đi bộ mấy cây số để mang những món đồ ăn ưa thích cho bok Núp. Đây cũng là cơ duyên để bà Y Phương kết nối với bà Năm, được bà tin tưởng trao tặng những hiện vật quý giá còn lại của Anh hùng Núp cho Bảo tàng tỉnh lưu giữ.

Nhớ lại một hồi, bà Năm kể tiếp: Sinh thời, Anh hùng Núp thích đi dép tổ ong, thích ăn nhãn, giò chả và thích ngâm chân bằng nước nóng. Những năm tháng cuối đời phải ngồi xe lăn không đi lại được, bà thường lấy nước nóng để ông ngâm và mát xa chân cho ông. Ông còn thích hút thuốc tẩu và nhâm nhi chút rượu thuốc, nhưng sau này bác sĩ cấm tuyệt đối vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi ông nằm viện, khách khứa và bạn bè tặng rất nhiều đường sữa, ông rất ít khi ăn những đồ này nên phân phát cho mọi người trong khoa và chia hết cho con cháu. Con cháu lỡ lời đòi hỏi chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với ông, liền bị ông la mắng ngay. Ông nói có Đảng, có Bok Hồ mới có ông Núp ngày hôm nay nên không được đòi hỏi gì cả.

Hàng ngày, bà Năm thường là người tắm và giặt giũ cho Bok Núp vì bà Ch’rơ yếu không làm được. Bà nhớ lại lúc ông yếu rồi, khi tắm cho ông phải đặt ông lên một chiếc ghế được thiết kế riêng. Ông cởi bỏ quần áo dài để tắm nhưng nhất định không cho cởi quần đùi. Đến khi tắm xong ông chỉ cho bà Ch’rơ thay quần đùi cho mình thôi.

Tháng 5-1998, bệnh tình của bok Núp chuyển biến nặng, ông mất ý thức không tự chủ được việc đi vệ sinh cá nhân nữa. Nhờ các y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tình cứu chữa, sau đó ông ngồi dậy được, nhưng bị méo miệng và phát âm khó khăn. Tháng 8-1998, bà Giang Kim Năm sinh bé gái (cháu nội Bok Núp) tại Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Nhận tin vui, ông trở nên khỏe khoắn, hoạt bát lạ thường. Hôm sau, ông đòi gặp và bế cháu. Các bác sĩ sợ ông yếu không bế được cháu bé nhưng ông ngồi trên giường bệnh đưa tay ôm cháu gái vào lòng. Vừa kể bà Năm vừa đưa tấm ảnh Núp đang bế cháu nội cho chúng tôi xem để minh chứng.

Bà Năm trầm ngâm kể tiếp, lúc bok Núp gần mất, ông thường xuyên đau nhức trong người, bà phải xoa bóp cho ông để vơi bớt những cơn đau. Ngày 7-7-1999, người anh hùng bao nhiêu năm đánh Pháp đã ngã quỵ. Y sĩ Tuấn (người trực tiếp chăm lo sức khỏe cho bok Núp) nhanh chóng đưa ông đi cấp cứu. Ông nằm trong phòng hồi sức đặc biệt. Bác sĩ không cho gia đình vào thăm nom, chỉ để mình bà Năm ở lại để lau người cho ông. Bok Núp hôn mê sâu, không ăn uống được gì. Ông nằm đó với hệ thống máy móc hỗ trợ sự sống, hơi thở khò khè, nặng nhọc từng cơn.

Những giây phút cuối đời của Bok Núp luôn có các bác sĩ túc trực bên giường bệnh (ảnh tư liệu gia đình cung cấp)

Những giây phút cuối đời của Bok Núp luôn có các bác sĩ túc trực bên giường bệnh (ảnh tư liệu gia đình cung cấp)

Sáng 10-7-1999, bà Năm lau người cho Núp như thường lệ nhưng hơi thở của ông rất yếu. Bác sĩ Sương (lúc đó là Giám đốc Bệnh viện đa khoa) nói: Em lau nhanh rồi ra ngoài để chúng tôi làm nhiệm vụ, ông sắp đi rồi đấy. Các bác sĩ đã tích cực cấp cứu cho bok Núp nhưng vẫn không thay đổi được quy luật của cuộc sống. 9 giờ 40 phút ngày 10-7-1999, trái tim người anh hùng bất khuất của Tây Nguyên đã ngừng đập. Ông ra đi thanh thản về với cõi vĩnh hằng. Chỉ 20 phút sau các phóng viên báo chí đã vây kín để chụp ảnh và đưa tin về sự ra đi của người anh hùng huyền thoại.

Nói về tang lễ Bok Núp, bà Năm nhớ lại: Tang lễ của ông được tổ chức trọng thể tại Hội trường Lê Hồng Phong, TP. Pleiku (lúc đó là hội trường lớn nhất). Đồng bào ở khắp nơi trong tỉnh biết tin ông mất kéo về nhà tang lễ đánh chiêng mấy ngày liền để đưa tiễn. Đoàn xe tang đưa ông về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh dài như vô tận. Nhân dân đứng chật kín hai bên đường để tiễn biệt ông.

Bà Giang Kim Năm còn kể thêm rằng: “Lúc còn sống, ba tôi dặn dò là khi chết an táng ông tại quê nhà và giữ lại tất cả những kỷ vật của ông không được chôn theo, sau này tặng cho Nhà nước”. Nhưng Tỉnh ủy đã quyết định an táng ông tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh bên cạnh những đồng chí, đồng đội để Nhân dân mọi miền đến Pleiku tiện thăm viếng. Dân làng Stơr thương nhớ ông đã làm một khu nhà mồ lớn, cả làng đi vòng quanh đánh chiêng đưa tiễn ông, thế mới thấy bà con nơi đây thương nhớ ông biết nhường nào.

Anh hùng Núp đã đi xa, nhưng hình ảnh người anh hùng cùng với “Đất nước đứng lên” đánh giặc trong kháng chiến, đoàn kết các dân tộc xây dựng quê hương giàu mạnh trong hòa bình, gần gũi với Nhân dân, thương yêu các cháu thiếu niên và nhi đồng, bình dị trong cuộc sống thường ngày vẫn mãi còn trong lòng các thế hệ con cháu mai sau.

Có thể bạn quan tâm