“Khát” lao động phổ thông
Lực lượng lao động lớn, nhưng hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch… lại đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân công.
Người lao động chăm sóc cây trồng tại Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông (Gia Nghĩa) |
Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông, TP. Gia Nghĩa hiện đang có hơn 20 nhân công làm việc. Trong số đó có tới 50% là lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Đội ngũ này hiện đang đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, vận hành của công ty. Còn lại 50% là lao động phổ thông đang phụ trách những công việc như chăm sóc cây cối, vệ sinh, thu hái…
Bà Bùi Thị Khánh Hòa, Giám đốc Công ty cho hay, hầu hết, các nhân sự khi gia nhập công ty sẽ được hỗ trợ, hướng dẫn về quy trình vận hành nhà màng, hệ thống kiểm soát dinh dưỡng, vi khí hậu, quy trình sinh trưởng phát triển của từng loại cây trồng…
Tuy nhiên, việc khó khăn duy nhất của đơn vị hiện nay là về lao động phổ thông. Do hầu hết nhân công làm việc tại doanh nghiệp đều có đất canh tác nông nghiệp. Vì vậy, khi vào mùa thu hoạch các loại cây trồng, lực lượng công nhân này thường nghỉ phép, dẫn đến thiếu lao động làm việc tại farm từ tháng 10 đến hết tháng 2 dương lịch hàng năm.
Du khách tham quan tại Khu Du lịch Phước Sơn của Công ty TNHH MTV Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch Nguyên Thành Phát (Đắk R’lấp) |
Tương tự, tại Công ty TNHH MTV Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch Nguyên Thành Phát, huyện Đắk R’lấp, tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông cũng đang diễn ra.
Ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc Công ty cho biết, hiện đơn vị đang có 14 lao động thường xuyên. Vào mùa cao điểm, công ty thường có nhu cầu tuyển dụng thêm từ 40-50 lao động phổ thông.
Để có được số lượng lao động theo yêu cầu, doanh nghiệp phải đi tới tận các trường THPT trên địa bàn để tuyển dụng. Sau đó, các bạn sẽ được công ty trực tiếp hướng dẫn để tiếp cận nhanh một số công việc cơ bản. Mặc dù số lượng lao động này đăng ký tuyển dụng rất đông, nhưng lại chỉ có thể làm việc trong thời gian ngắn, vì còn phải học tập. Do đó, mỗi mùa du lịch, công ty lại phải lặn lội đi tìm lao động một lần nữa và tiếp tục lặp lại với công việc đào tạo. Điều này rất mất nhiều thời gian và chi phí.
Hơn nữa, lực lượng lao động này chỉ mới biết những công việc thông thường, chứ chưa nắm rõ các sản phẩm, dịch vụ mình đang có để giới thiệu chu đáo, chuyên nghiệp, bài bản tới du khách.
Nhu cầu về lao động phổ thông tại các doanh nghiệp chế biến của Đắk Nông rất lớn |
“Doanh nghiệp mong muốn được liên kết với các trường trên địa bàn để tuyển dụng lao động khi họ thực sự có nhu cầu và đam mê với du lịch. Doanh nghiệp sẽ làm việc với các cơ sở đào tạo nghề để hỗ trợ người lao động đi học trong thời gian ngắn. Sau đó quay trở lại ký hợp đồng làm việc lâu dài với doanh nghiệp”, ông Thành chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông cho hay, nông nghiệp và du lịch là hai lĩnh vực thời gian qua nhà trường khó tuyển dụng nhất.
Mỗi năm, số lượng tuyển sinh mỗi ngành này của trường tầm 70 học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, số lượng đăng ký đầu vào chỉ được 50%. Thậm chí còn bị hao hụt trong quá trình tham gia học tập. Hiện phần lớn các em chỉ quan tâm đăng ký học về các ngành nghề liên quan đến công nghệ, cơ khí…
Đào tạo lao động gắn với nhu cầu thị trường
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông cho thấy, đến năm 2025, nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh ở 4 ngành kinh tế mũi nhọn khá lớn, với khoảng từ 190.000-20.000 lao động.
Ở lĩnh vực công nghiệp nhôm, đến năm 2025, Đắk Nông ước tính sẽ cần khoảng 6.700 việc làm mới |
Trong đó, nhu cầu lao động lớn nhất thuộc về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ cần khoảng 60.000 lao động thường niên và khoảng 120.000 lượt lao động thời vụ. Phần đông lao động không cần qua đào tạo, nhưng cần có kiến thức về kỹ thuật canh tác. Trong số đó, tỉnh cần khoảng 3.000 lao động có trình độ cao hơn để giúp vùng sản xuất tiếp cận kỹ thuật mới, liên kết với thị trường.
Ở lĩnh vực công nghiệp nhôm, dựa trên cơ sở các dự án đang triển khai cũng ước tính sẽ cần khoảng 6.700 việc làm mới. Với ngành năng lượng tái tạo sẽ cần khoảng 2.100 – 2.500 việc làm mới. Đối với ngành du lịch, theo tỷ lệ nhu cầu lao động trên lượt khách du lịch, đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông sẽ cần khoảng 2.000-2.300 nhân lực du lịch.
Đến năm 2025, Đắk Nông sẽ cần khoảng 60.000 lao động thường niên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp |
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đắk Nông Hoàng Viết Nam cho biết, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, kỹ năng nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp.
Hàng năm, đơn vị đã rà soát nhu cầu đào tạo nghề, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp để xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu vị trí việc làm tại các doanh nghiệp. Đơn vị đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo tổ chức đối thoại, tọa đàm với doanh nghiệp. Từ đó nhằm định hướng nghề nghiệp cho các em học viên về ngành nghề đào tạo gắn với cơ hội giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp…
Để chủ động trong công tác đào tạo, hiện nay, Trường Cao đẳng cộng đồng Đắk Nông đã ký kết hợp tác với 52 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đó, tập trung vào những ngành nghề chủ yếu như: điện công nghiệp, công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, bảo vệ thực vật, thú y, may thời trang, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn…
Để đáp ứng hiệu quả nhu cầu lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang chủ động kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn |
Ông Nguyễn Hữu Lành, hiệu trưởng nhà trường thông tin, tất cả các khâu đào tạo đều được nhà trường liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có kiến thức giảng dạy thực tế nhất. Từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, nhà trường đã mời các doanh nghiệp vào thẩm định chương trình, đánh giá mức độ phù hợp của các kỹ năng so với yêu cầu của doanh nghiệp.
Trong chương trình sinh hoạt đầu khóa cho học sinh, sinh viên, nhà trường đã mời đại diện các doanh nghiệp đến chia sẻ các nội dung về: kỹ năng khi làm việc tại doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng hàng năm… Nhà trường đã đưa học sinh, sinh viên tham gia trải nghiệm tại các doanh nghiệp như: thực tập môn học, mô đun, thực tập sản xuất… Song song với đó, trường cũng tiến hành khảo sát lại mức độ phù hợp của chương trình đào tạo cũng như kỹ năng của các em khi làm việc ngoài thực tế.
Năm 2004, số lao động của Đắk Nông được tạo việc làm là 7.820 lượt người. Sau 20 năm, số lao động được tạo việc làm của tỉnh là 329.025 lượt người. Trong đó, đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là 4.353 người.