TN - Đất & Người

Những ngày khan hiếm bánh tráng!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bánh tráng là món khoái khẩu và thông dụng của cư dân miền Trung. Dịp Tết, thức món làm nhân để cuốn lại phong phú và ngon, thế mà khan hiếm bánh tráng, khổ chưa!

Hàng năm, cứ vào đầu tháng Chạp, các lò tráng bánh ở quê tôi hoạt động hết công suất. Ngày tốt nắng, mỗi lò tráng bánh bằng máy cho ra 35-40 cân bánh thành phẩm, chuyển bán đi khắp các vùng. Năm rồi mưa lụt triền miên, ra Giêng vẫn còn sụt sùi khắp dải đất miền Trung-cái nôi sản xuất bánh tráng nên mặt hàng này trở nên khan hiếm.

 

Tráng bánh tráng. Ảnh: Anh Tuấn
Tráng bánh tráng. Ảnh: Anh Tuấn

Khan hiếm đến mức ngay cả nhà lò ngày Tết cũng phải ăn dè xẻn, làm quà cho người thân nơi xa thay vì đôi chục ràng (mỗi ràng 50 cái) thì giờ đôi ràng đã là mừng. Mà nắng mưa bất chợt nên bánh khi nhúng nước không được dẻo mềm mà sường sượng, phải nướng rồi mới nhúng qua. Đấy là cách ăn “chữa cháy” thôi chứ khi cuốn nó bung bể mất cả thẩm mỹ, ăn vào cũng giảm ngon.

Khan hiếm nên giá bán ra tăng hơn 2 lần từ giữa tháng Chạp đến bây giờ. Không ít tiểu thương bán bánh cuốn thịt nướng hoặc phải tăng giá bán từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/cuốn hoặc tạm nghỉ bán. Như vợ chồng anh Tỵ (ở phường Trà Bá, TP. Pleiku) chỉ còn chuyên bán bánh xèo mấy tuần nay vì hiếm nguồn bánh tráng, với lại khách hàng toàn người quen không nỡ bắt giá lên.

Ghé lại thăm hỏi chị Hà-chủ một lò bánh trên đường Ngô Gia Khảm (TP. Pleiku), được chị cho biết: “Suốt từ tháng Chạp đến nay, tôi tráng không nghỉ lấy một ngày. Khách quen chỉ bán mỗi người vài ba ràng ăn Tết thôi chứ lấy đâu ra mà vẫn không kịp, trách cứ tùm lum. Nhà tôi Tết năm nay rơi vào cảnh “thợ rèn không có dao ăn trầu” nên mùng 1 Tết đã phải lên lửa tráng vài cân gạo để ăn”.

Bánh tráng gắn liền với cư dân nông nghiệp, nhờ thời tiết nắng nóng, địa hình nhiều cồn cát thuận lợi cho việc hong phơi làm khô bánh. Thời gian gần đây, cũng có hộ làm nghề xây lò sấy bánh nhưng chưa thông dụng vì bánh sấy chất lượng thấp, đội giá thành lên cao. Ở Bình Định, có nhiều địa phương tráng bánh nổi tiếng, được công nhận là làng nghề truyền thống như Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn), Mỹ Lộc, Bình Dương (huyện Phù Mỹ)… Nói rộng ra, làng quê nào cũng có người làm nghề tráng bánh. Xa quê, nhiều người lấy nghề tráng bánh “gia truyền” làm kế mưu sinh.

Bánh tráng Bình Định phong vị khá đặc trưng, có tỷ lệ gạo cao hơn, dày dặn, rộng vành, thơm mùi nắng; khi nhúng nước mềm mà lại không dính, dễ cuốn… nên người ta không thích dùng bánh từ nơi khác chuyển đến. Riêng bánh tráng làm chả ram tôm đất được tráng mỏng, không thể sấy lò nên từ giữa tháng 11 Âm lịch, tiểu thương chuyên sản xuất món này đã ngược từ Bình Định lên Trung tâm Thương mại Pleiku thu gom với giá cao, “chở củi về rừng”. Sự khác biệt của loại bánh này mà bánh vùng miền khác không thay thế được cũng bởi độ dày vừa phải, vị không mặn lắm mới “đúng gu” làm món chả ram tôm đất nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc…

Lạy trời cho nắng gió lên để món ăn khoái khẩu góp phần làm nên phong cách ẩm thực người dân xứ Nẫu trở lại hanh thông!

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm