Xã hội

Từ thiện

Những ngôi nhà nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sau hơn 1 tháng triển khai thi công, 4 căn nhà tình nghĩa do Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Rah Lan Chung trực tiếp kêu gọi, vận động kinh phí (70 triệu đồng/căn) đã được bàn giao cho các hộ nghèo tại làng Thơh Ga B, xã Chư Don, huyện Chư Pưh.

4 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa gồm các ông, bà: Kpă H'Hyel, Kpuih H'Do, Siu H'Nhớ, Rmah Kut. Ngày nhận bàn giao nhà mới, ai cũng rưng rưng xúc động. Ngồi dựa lưng vào bức tường trước hiên nhà, nhìn mọi người sắp xếp bàn ghế, giúp gia đình chuẩn bị đón mừng nhà mới, đôi mắt bà Kpă H'Hyel ánh lên niềm vui. Có lẽ lâu lắm rồi, nhà bà mới đông vui như thế.

Vợ chồng bà H'Hyel kiếm sống bằng việc chăn bò thuê. Hơn 1 năm trước, chồng bà qua đời do bạo bệnh. Sau đó không lâu, bà cũng bị tai biến, liệt nửa người, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Các con lập gia đình ở xa, chủ yếu bà dựa vào tình thương của họ hàng và bà con hàng xóm. Ngôi nhà của bà đã xuống cấp.

“Mình bị bệnh, đi lại khó khăn, việc gì cũng nhờ mọi người xung quanh thì lấy tiền đâu làm nhà. Được lãnh đạo tỉnh và địa phương quan tâm giúp đỡ, mình đã có nhà mới để ở. Mình vui và biết ơn lắm!”-bà H'Hyel bộc bạch.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Chư Pưh bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ ông Rmah Kut. Ảnh: A.H

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 3 từ trái sang) cùng lãnh đạo huyện Chư Pưh bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ ông Rmah Kut. Ảnh: A.H

Còn chị Siu H'Nhớ thì phấn khởi nói: “Ngày nhận nhà mới, bọn trẻ vui lắm, chạy đi khoe với bạn bè trong làng”. Gia tài của gia đình chị H'Nhớ là 3 con bò từ nguồn vay vốn ngân hàng đến nay vẫn chưa trả hết và mảnh đất xây dựng nhà ở do bố mẹ chia cho. Không có đất sản xuất, thu nhập chính của vợ chồng chị đều trông chờ vào việc làm thuê.

“Ai có việc gọi thì chồng mình đi làm, còn mình nhận chăn bò thuê. Mình đang nhận chăn 1 con bò theo năm với giá 1 triệu đồng; thỉnh thoảng cũng có người thuê chăn theo ngày, theo tháng. Theo tháng thì mỗi con hơn 100 ngàn đồng, chỉ tính bò mẹ không tính bê”-chị H'Nhớ cho hay.

Làng Thơh Ga B có 253 hộ với 1.299 khẩu, trong đó có 217 hộ người dân tộc thiểu số. Làng còn 32 hộ nghèo, chiếm 12,6%; 41 hộ cận nghèo, chiếm 16,1%; có 2 người già neo đơn; 10 người khuyết tật; 1 trẻ mồ côi đặc biệt cần giúp đỡ; 21 hộ khó khăn về nhà ở.

Theo bà Rmah HLong-Trưởng thôn Thơh Ga B: “Những hộ được hỗ trợ làm nhà đều thuộc diện khó khăn. Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự chung tay sẻ chia của các ngành, ước mơ có một căn nhà mới để an cư nay đã thành hiện thực. Đây là tiền đề để chúng tôi tiếp tục vận động bà con chung sức xây dựng làng nông thôn mới”.

Ông Nguyễn Minh Hà-Chủ tịch UBND xã Chư Don-cho biết: Đầu tháng 3-2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã về làm việc với hệ thống chính trị làng Thơh Ga B và khảo sát thực tế tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của bà con. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy và được sự quan tâm giúp đỡ của Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh, địa phương đã rà soát, đánh giá thực trạng nhà ở của các hộ nghèo tại làng để có hướng giúp đỡ. “Về 4 căn nhà được hỗ trợ, sau hơn 1 tháng thi công đã hoàn thành đúng tiến độ, tạo điều kiện để các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo”-ông Hà khẳng định.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng nhà cho bà Kpă H'Hyel. Ảnh: Anh Huy

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng nhà cho bà Kpă H'Hyel. Ảnh: Anh Huy

Chung vui cùng các gia đình tại lễ bàn giao nhà, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung đã trao tặng mỗi gia đình một phần quà bao gồm chăn màn và nhu yếu phẩm. Phó Bí thư Tỉnh ủy hy vọng ngôi nhà sẽ giúp các gia đình an cư, tiếp thêm động lực để bà con tích cực lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo, chung sức xây dựng làng nông thôn mới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung nhấn mạnh: Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở làng Thơh Ga B còn cao, số hộ khó khăn về nhà ở còn nhiều. Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, chăm lo và có giải pháp cụ thể giúp người dân ổn định cuộc sống. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm; khảo sát về đất ở, đất sản xuất, việc làm để có giải pháp thiết thực giúp bà con ổn định cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm