Xã hội

Từ thiện

Những người bệnh tâm thần ở Ia Kly

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Trên địa bàn xã Ia Kly (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) hiện có đến 18 người bị bệnh tâm thần. Suốt ngày, họ đi lang thang trên đường, lầm lì, né tránh và lượm những thứ rơi vãi. Có thời gian, họ quậy phá xóm làng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.
Làng có nhiều người điên
Riêng tại làng Pó có tới 6 người mắc bệnh tâm thần. Có người từ sáng đến chiều, bất kể trời mưa hay nắng cứ ngồi bó gối bên vệ đường nhìn dòng người qua lại. Có người suốt ngày xỏ hai tay túi quần đi lang thang từ đầu làng đến cuối xóm. Trường hợp khác thì vung chân, múa tay, tự nói, tự cười, thậm chí thấy vũng nước liền thích thú sà vào quẫy đạp…
Trên đường vào làng Pó, chúng tôi gặp chị Rơ Mah Mlong (SN 1989) đang lang thang trên đường. Dừng xe, hỏi chuyện, Mlong đưa mắt nhìn và rụt rè trả lời: “Mình đi lấy thuốc về uống cho hết bệnh”. Có lẽ lúc này đây, chị Mlong đang tỉnh táo. Nhưng thay vì đi tiếp, chị quay người trở về nhà. Nhìn thấy con gái từ xa, bà Rơ Mah Mlao cất tiếng hỏi nhưng không nhận được hồi đáp. Bà Mlao buồn rầu kể: “Trong 4 đứa con chỉ có mình nó là gái lại rất ham học. Nó học đến lớp 8 thì kêu đau đầu, rồi tính cách thay đổi, dễ nổi giận, hay đánh bạn. Mình cho nó nghỉ học nhưng nó không chịu ở yên một chỗ, đi lang thang suốt ngày, có lúc còn cởi hết áo quần ngoài đường rồi cười ngặt nghẽo mà không biết xấu hổ”. Không đủ sức ngăn cản mỗi khi chị Mlong phát bệnh, vợ chồng bà đành phải nhốt con trong ngôi nhà sàn nhỏ cạnh bên. “Nó đập phá hết cửa, mình đành xích nó lại. Nó vùng vẫy nên tay chân sưng hết. Thương nó nhưng mình không thể làm khác vì sợ nó đi phá dân làng”-bà Mlao phân trần.
Vài năm sau thấy bệnh tình của con có vẻ thuyên giảm, vợ chồng bà Mlao tháo xích để chị Mlong thoải mái đi lại. Nhưng tai ương này chưa qua tai ương khác liền ập tới. Chị Mlong mang thai và không ai biết cha đứa trẻ. Sợ dân làng dị nghị, có thời gian, vợ chồng bà Mlao nhận cháu ngoại làm con. Đứa trẻ đang được nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Pleiku. Bà Mlao trải lòng: “2 con trai chết vì bệnh ung thư. Con gái mắc bệnh tâm thần, chỉ còn một đứa con trai đã lập gia đình và ở rể. Giờ mình chỉ mong có sức khỏe để chăm sóc con, rồi có tiền để thỉnh thoảng đón xe lên Pleiku thăm cháu ngoại”.
Cứ thấy có người là ông Rơ Lan Sốp lại lẳng lặng bỏ đi. Ảnh: Anh Huy
Cứ thấy có người là ông Rơ Lan Sốp lại lẳng lặng bỏ đi. Ảnh: Anh Huy
Cách nhà bà Mlao không xa là nhà ông Rơ Lan Sốp (SN 1956). Chủ nhân của ngôi nhà từ sáng đến tối cứ ngồi bên vệ đường nhìn dòng người qua lại. Thấy người hoặc xe lại gần, ông Sốp đứng lên lẳng lặng bỏ đi. Chị Rơ Lan Ping cho hay: “Lúc trước, cậu Sốp khỏe mạnh cũng có vợ. Nhưng sau một thời gian bị người ta bỏ. Vì cậu không làm gì hết, người ta trồng được cây lúa, cây mì cậu cầm dao chặt phá. Cậu về ở ngôi nhà cạnh nhà mẹ mình. Có dạo, cậu hay đánh người, mẹ mình cũng bị đánh. Giờ cậu không lại gần ai, không đánh ai, cứ đi miết từ sáng đến tối rồi lượm mấy thứ linh tinh mang về”.
Mặc dù đã quen với hình ảnh người tâm thần lang thang trên đường làng song nhiều người, nhất là phụ nữ, trẻ em vẫn không khỏi lo sợ. Chị Kpuih Bíu chia sẻ: “Mình không biết khi nào họ phát bệnh và khi phát bệnh sẽ làm những gì nên sợ lắm. Có người cứ xáp lại gần, nhìn trừng trừng, rất hãi”.
Cần sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng
Trong số 18 người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn xã có lẽ Rơ Mah Nhân (SN 1994, làng Lân) là trường hợp đáng thương nhất. Mỗi khi phát bệnh, Nhân cũng đập phá bất kể thứ gì. Ai ngăn cản đều bị Nhân đánh. Có lúc em lại chui xuống gầm giường, trèo lên cây để trốn. Hơn 1 năm trước, Nhân trèo lên cây vú sữa phía sau nhà để trốn rồi bị ngã, gãy cột sống phải nằm liệt giường. Chiếc dây xích gia đình dùng để giữ em nơi góc nhà đã được tháo bỏ, thay vào đó là chiếc giường đơn cũ kỹ.
Nhìn thấy người lạ, Nhân nhoẻn miệng cười, cất tiếng hỏi: “Chị không sợ em à?”. Rồi Nhân nói tiếp: “Em không biết mình đã làm gì đâu, chỉ khi tỉnh trí rồi nghe người nhà nói mới thấy mình sai. Nhìn vết thương đã gây ra cho mẹ, cho chị gái, em xót lắm, ân hận lắm! Em không muốn mình bị bệnh đâu, sao ông trời lại bắt em thế này?”. Lời nói của người tâm thần lúc tỉnh khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa. Nhân từng là chàng trai hiền lành, lễ phép trong mắt người làng. Thế nhưng, từ khi bị bệnh, em trở thành nỗi lo sợ của cộng đồng. Chị Rơ Mah H’Nhar-chị ruột Nhân-kể: “17 tuổi em Nhân phát bệnh. Ban đầu, em hay kêu đau trong đầu, tay chân như có con sâu, con kiến bò bên trong. Sau đó, em không chịu đi làm, quần áo xộc xệch, suốt ngày đi lang thang. Thấy xe máy người ta dựng bên đường, em vô cớ đập hoặc đạp rớt xuống mương. Mấy trụ xi măng trước nhà cũng bị em đập bể hết. Người làng tuy có thương, thông cảm nhưng cũng mức độ. Họ thường xuyên đến nhà trách móc mỗi khi bị Nhân quấy phá. Gia đình buộc phải nhốt Nhân lại để không gây phiền cho người xung quanh”.  
Chị H'Nhar bên cậu em trai Nhân. Ảnh: Anh Huy
Chị Rơ Mah H'Nhar và em trai Rơ Mah Nhân. Ảnh: Anh Huy
Nằm một chỗ quá lâu nên cơ thể Nhân có nhiều chỗ bị hoại tử. Mẹ bị liệt, bố bị điếc, do đó, việc chăm sóc Nhân đều do một tay chị gái H’Nhar đảm trách. “Nhà mình ở sát bên, cứ nghe tiếng la hét là chạy qua. Tội em lắm, nếu không bị bệnh thì đã lấy vợ sinh con như người ta rồi. Trước đây, một năm mình đưa em đến bệnh viện vài lần, còn bây giờ, chỉ chăm sóc ở nhà thôi. Em kêu đau miết, lúc đau đầu, đau tai, lúc lại kêu đau cột sống”-chị H’Nhar chia sẻ.
Theo ông Rơ Mah Hêng-Chủ tịch UBND xã Ia Kly, hầu hết trường hợp bị bệnh tâm thần ở tuổi vị thành niên. Trước đây, có trường hợp bệnh nặng, gia đình phải nhốt hoặc xích lại nhưng bây giờ không còn nữa. Vẫn còn tình trạng người điên đánh người, đập phá đồ đạc, song được can thiệp kịp thời, địa phương vận động gia đình đưa đi điều trị. “Chúng tôi nhắc nhở các gia đình quan tâm quản lý, giám sát và chăm sóc người bệnh. Dành thời gian đi lấy thuốc và duy trì cho người bệnh uống đều đặn theo lời dặn của bác sĩ. Xã cũng làm hồ sơ để người bệnh, gia đình người bệnh được hỗ trợ chế độ nhằm phần nào giảm bớt khó khăn, chứ hiện tại chưa có giải pháp gì khác”-ông Hêng cho biết.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm