(GLO)- Là người tạo dựng tương lai cho học trò bằng con chữ, những giáo viên vùng biên giới Gia Lai đang từng ngày vượt qua khó khăn, thử thách để cống hiến cho nhiệm vụ “trồng người”.
Tận tâm với nghề
“Vào những ngày mưa, 5 giờ sáng trời vẫn tối đen như mực. Tôi đứng trong hiên nhà nhìn vợ đội mưa đến trường mà mắt mũi cay xè. Con đường từ nhà đến trường dài 50 cây số, nhiều đoạn trơn trượt, biết cô ấy có vững tay lái mà vượt qua hay không”-anh Nguyễn Văn Khoát, chồng cô giáo Phan Thị Hương-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã Ia Chía, huyện Ia Grai) nói về công việc của vợ mình. Trong 17 năm cống hiến cho giáo dục vùng biên, cô Hương chưa một ngày đến trường muộn. “Khi còn là giáo viên đứng lớp, tôi đến trường sớm vì học trò. Khi trở thành cán bộ quản lý, tôi đến sớm để làm gương cho giáo viên”-cô Hương nói. Cứ thế, cô được cả trường thương quý, kính trọng. Phụ huynh đều biết đến cô bởi: “Mùa hè cả trường nghỉ hết, mình cô Hương vào làng dạy chữ miễn phí cho lũ trẻ”-một cụ bà ở làng Bang nói với tôi.
Cô Phan Thị Hương luôn gần gũi với học trò. Ảnh: N.G |
Cô Trần Thị Sen (giáo viên điểm trường làng Pó, Trường Tiểu học Hà Huy Tập, xã Ia Chía, huyện Ia Grai) cũng đã gắn bó với học trò điểm trường này 6 năm nay. Càng khó khăn khi lớp cô Sen chủ nhiệm lại là lớp ghép 2 trình độ (lớp 3 và lớp 5). “Lớp ghép ở làng Pó này đã trở thành một phần thân thuộc trong cuộc sống của tôi. Thương học sinh thiệt thòi, tôi luôn dành trọn tâm huyết cho các em”-cô Sen bày tỏ. Với sự nhiệt tâm ấy của cô Sen, lớp ghép 3+5 ở làng Pó có thư viện góc lớp, góc cộng đồng, có góc dành cho những tấm giấy khen mà nhà trường trao tặng tập thể lớp trong các phong trào thi đua. Việc duy trì sĩ số ở vùng biên giới có thể gây khó cho một số giáo viên nhưng với cô Sen đó chỉ là chuyện nhỏ. Nhiều năm qua, lớp ghép làng Pó luôn đảm bảo 100% học sinh dân tộc thiểu số đến trường, dù ngày mùa hay mưa gió. Nhiều học sinh bị ốm vẫn không nghỉ học vì sợ cô Sen vất vả đến nhà tìm. Cứ thế, với 2 bảng đen, 2 giáo án nhưng cô Sen luôn có đủ năng lực chuyên môn và tình yêu thương để giúp học trò vùng sâu tiếp cận tri thức.
Đứng lớp ghép 2 trình độ đã khó, vậy mà thầy Trần Thanh Nhàn (giáo viên điểm trường làng Ring, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơr, huyện Chư Prông) phải một mình xoay xở với 3 chiếc bảng đen trong lớp học! Làng Ring nằm cách trung tâm xã gần 20 km. Duy trì lớp ghép 3 trình độ (lớp 2, 3, 4) ở ngôi làng này là giải pháp duy nhất để mang con chữ đến vùng biên. Lực học và tính khí từng học trò, thầy Nhàn thuộc như lòng bàn tay vì đã có 4 năm gắn bó. Thời gian thầy ở làng Ring nhiều hơn ở nhà, phần vì nhà quá xa điểm trường, phần vì thầy muốn ở lại để phụ đạo trái buổi cho học trò. Thầy Nhàn tâm sự: “Dạy lớp ghép mà, giờ chính khóa không đủ để truyền đạt kiến thức cho các em. Thôi thì mình hy sinh một chút để các em thêm vững vàng khi lên lớp”.
Những hy sinh thầm lặng
Ít ai biết rằng, ở cương vị một giáo viên bám trường, bám lớp nơi vùng biên, các thầy-cô giáo đã hy sinh rất nhiều để làm tròn nhiệm vụ. Hỏi thầy Trần Thanh Nhàn về hoàn cảnh, tính tình 10 học sinh trong lớp ghép, thầy liền nói vanh vách. Nhưng khi nói về 2 đứa con, thầy thoáng trầm ngâm: “Cậu con trai lớn 14 tuổi, cô con gái út 12 tuổi lớn lên chủ yếu nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ của mẹ. 18 năm công tác ở xã biên giới Ia Mơr, cuối tuần trở về nhà, nhiều khi tôi phải ngỡ ngàng trước sự trưởng thành cả về thể chất và suy nghĩ của các con. Đến giờ, các con vẫn rất nghe lời bố nhưng nói về sự gần gũi, thân thiết như những người bạn thì thực sự không có, mặc dù tôi đã rất cố gắng”.
Thầy Trần Thanh Nhàn luôn đồng hành cùng lớp ghép 3 trình độ của mình trong mọi hoạt động. Ảnh: Nguyễn Giang |
Anh Rơ Lan Thích-Phó trưởng Công an xã Ia Chía, học trò cũ của cô Phan Thị Hương: “Nếu không có thầy cô vào tận làng dạy chữ, kèm cặp thì tôi không được như ngày hôm nay. Tôi nhớ nhất là cô Hương vì cô đã giúp tôi ý thức được sự quan trọng của việc học và thích đến lớp hơn. Bạn bè của tôi bây giờ đều có cuộc sống ổn định. Chính con chữ đã giúp cuộc sống của chúng tôi tốt lên từng ngày”. |
Tương tự, để duy trì sĩ số 100% học sinh ở điểm trường làng Pó, nhiều lúc cô Trần Thị Sen cũng cảm thấy có lỗi với 2 cô con gái của mình. “Ngày 2 buổi đến trường, buổi tối nhiều khi còn phải ở lại để vào làng vận động học sinh. Thời gian dành cho con không còn bao nhiêu cả. Con gái mà không có sự gần gũi, chia sẻ của mẹ thì rất thiệt thòi. Đến tận bây giờ, nghĩ đến những bối rối trong giai đoạn dậy thì của con, những lúc con cần mẹ nhất mà gọi mãi mẹ không về được, tôi thấy mình chưa làm tròn bổn phận”. Còn cô Phan Thị Hương thì bùi ngùi kể: “Vì công việc nên hiếm khi tôi đưa con đi khai giảng, tổng kết năm học, kể cả họp phụ huynh. Duy chỉ có 1 lần lúc con bé học lớp 3, tôi sắp xếp được công việc nên đã đi họp phụ huynh cho con. Thế mà con bé nhớ mãi, nhắc mãi cho đến tận bây giờ dù đã gần 10 năm trôi qua”.
Ông Nguyễn Tư Sơn-Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai-chia sẻ: “Với tôi, giáo viên ở đâu cũng đều quan trọng bởi họ đang làm chung một nhiệm vụ cao cả, đó là “trồng người”. Nhưng phải thừa nhận hàng trăm giáo viên đang công tác trên vùng biên giới thì vất vả hơn nhiều. Họ xứng đáng được tôn vinh khi đang từng ngày vượt qua những thử thách để âm thầm “gieo chữ”, góp phần vào chất lượng giáo dục chung của toàn ngành”.
Nguyễn Giang