TN - Đất & Người

Những người phụ nữ ở chùa Bửu Châu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhiều năm qua, chùa Bửu Châu (279/2 Phạm Văn Đồng, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) được mọi người biết đến như một địa chỉ của những tấm lòng thiện nguyện. Nơi ấy có những người phụ nữ hết lòng vì các cháu nhỏ mồ côi, không nơi nương tựa.

 Chuẩn bị bữa cơm khách trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Đ.P
Chuẩn bị bữa cơm khách trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Đ.P

Chỉ riêng việc chăm sóc, nuôi dưỡng 58 cháu từ độ tuổi sơ sinh cho đến tiểu học (lành mạnh và cả khuyết tật) nếu chỉ trông nhờ vào 2 người mẹ được nhà chùa “biên chế”, hình dung thôi cũng đủ biết là quá sức. Thế mà nhiều năm qua, hoạt động ấy vẫn trôi chảy, hiệu quả. Nhìn nết ăn, nết ngủ, sinh hoạt, tầm vóc của các cháu thì chúng ta nhận ra ngay. “Nhờ nhiều lắm công sức của các bà nội đấy”-sư cô trụ trì Thích Nữ Minh Nguyên cho biết.

Các bà, các cụ nhà ở gần chùa, không hoàn toàn là phật tử, lũ trẻ quen gọi bà nội. Tuổi già, còn sức khỏe, con cái trưởng thành, ổn định nên họ phát tâm thiện nguyện cùng nhà chùa. Ngày ấm trời, từ trước 5 giờ sáng họ đã có mặt phụ giúp việc vệ sinh, bón thức ăn cho các cháu bé; lo bữa sáng, nhắc nhở việc trang phục, chuẩn bị sách vở các cháu đến trường kịp giờ. Rồi chia nhau, người quét tước, người chuẩn bị nấu nướng cho kịp giờ ăn trưa. Cơm nước cho mình xong, về nhà nghỉ lưng, chợp mắt chút lại đến chùa tiếp tục công việc buổi chiều. “Trẻ con đói nhanh, đòi ăn như vịt, phải đâu vào đấy, đúng giờ cho ăn còn đi ngủ, học hành”-bà nội Hai (Đinh Thị Hồng, 83 tuổi, nhà ngay trước cổng chùa) tâm sự.

Nhà chùa còn là tâm điểm nhận và làm từ thiện. Dịp lễ tết, nhiều đoàn từ các nơi xa đến cho quà nhiều thì các bà cùng nhà chùa nhận, chỉ nơi cất xếp, mời bữa cơm chay độ đường.

Những rằm lớn trong năm, nhà chùa có khách mời, là chính quyền địa phương, các cấp, khách xa gần viếng thăm mời bữa cơm chay, cả trăm khách. Vào kỳ thi trung học quốc gia, hưởng ứng chương trình tiếp sức mùa thi, trong 4 ngày ấy, nhà chùa nấu đến hơn 4.000 suất cơm chay mang đến các điểm thi. Việc trọng như vậy, năm đầu tiên thì thông tin “huy động” phật tử phần lớn là các chị, các mẹ từ các huyện xa đến, ăn ở lại chùa hay nhà người quen đêm ngày ra sức đi chợ, nấu nướng. “Nguyên liệu chủ yếu là rau củ quả, đậu, nấm nhưng chế biến cho ngon miệng thì dày công, tỉ mẩn lắm”-chị Hương, nhà ở không mấy xa chùa cho biết.

Đảm nhận trụ trì chùa Bửu Châu từ năm 2000, sư cô Thích Nữ Minh Nguyên vốn là đứa trẻ mồ côi nương nhờ cửa Phật mà trưởng thành, cùng 2 “cộng sự” trẻ của mình đứng ra tổ chức, phát động và huy động lòng thiện nguyện, phát huy truyền thống quý báu của dân tộc làm nhiều việc thiện đáng kính vô cùng!

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm