Xã hội

Từ thiện

Những người thiện tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vượt qua quan niệm “chết là hết”, nhiều người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời để hồi sinh sự sống của những người khác. Họ truyền cảm hứng mạnh mẽ về lòng nhân và sự tử tế ở đời. 
Từ biến cố gia đình
Chẳng ai muốn nghĩ đến cái chết khi mình đang khỏe mạnh, nhất là lúc đang độ thanh xuân. Vậy nhưng chị Nguyễn Thị Thu Nga (29 tuổi, trú tại thôn 5, xã An Phú, TP. Pleiku) đã tính đến chuyện cho đi một phần cơ thể sau khi mình qua đời. “Trải qua nhiều biến cố nên thấy việc gì có ích cho người khác thì mình làm”-chị Nga giãi bày.
Biến cố mà người phụ nữ nhỏ nhắn ấy nhắc đến chính là việc chứng kiến bố chồng mất do suy thận. Trước đó, cả 3 người anh chồng cũng lần lượt ra đi do căn bệnh nghiệt ngã này. Từ nỗi đau quá lớn ấy, chị Nga mong muốn giúp những người bất hạnh khác nối dài sự sống bằng việc đăng ký hiến tạng vào năm 2021.
Chị Nguyễn Thị Thu Nga trong một chuyến thiện nguyện tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Phương Duyên
Chị Nguyễn Thị Thu Nga trong một chuyến thiện nguyện tại huyện Phú Thiện. Ảnh: Phương Duyên
Lẽ dĩ nhiên, đây không phải là một quyết định dễ dàng bởi những quan niệm đã ăn sâu về sự toàn vẹn thân xác sau khi qua đời. Chị Nga nhớ lại: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều vì sợ ba mẹ mình đau lòng. Nhưng tôi tin ba mẹ hiểu tâm nguyện của tôi và ủng hộ. “Chết là hết” nhưng không phải vậy. Ba mẹ sẽ vui khi thấy một phần cơ thể của con hiện diện trong hình hài của người khác”. Rất may là những tâm tư ấy của chị được chồng chia sẻ. 
Từ hoàn cảnh gia đình, nhìn rộng ra, chị Nga càng thấu hiểu hoàn cảnh của những trường hợp khác và muốn cho đi trong khả năng của mình. Không hiến máu được vì bị thiếu máu, chị tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện khác do Câu lạc bộ thiện nguyện Ngôi nhà yêu thương (thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh) tổ chức như: phát quà, thực phẩm tại các khu cách ly phòng-chống dịch Covid-19; tặng xe đạp, sách vở cho học sinh nghèo vượt khó; gây quỹ xây nhà tình thương tặng hộ nghèo… “Dịch bệnh khiến con người ta xích lại gần nhau hơn, cho đi những điều tốt đẹp mình đang có. Rất mong sẽ có thêm nhiều người suy nghĩ tích cực về việc hiến tạng để giúp đỡ những người cần đến”-chị Nga kỳ vọng. 
“Làm việc nghĩa để giúp người, dạy con”
Công tác tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Gia Lai, dược sĩ Trịnh Hùng hiểu rõ nỗi đau và niềm mong mỏi của những người cần ghép tạng. Nhưng cũng vì giằng níu bởi quan niệm truyền thống về hậu sự, anh đã mất đến 2 năm để suy nghĩ, thuyết phục gia đình trước khi đi đến quyết định đăng ký hiến tạng vào năm 2017.
“Khi đó, truyền thông về vấn đề này còn quá ít. Tôi xem xong 1-2 chương trình trên ti vi về những người hiến tạng thì cảm thấy rất có khí thế, nhưng sau đó cứ “nguội” dần. Đặc biệt là người thân trong gia đình ai cũng phản đối khi tôi nói ra ý định. Vợ không đồng ý, con thì giận đến cả nửa tháng”-anh Hùng nhớ lại.
Vợ chồng dược sĩ Trịnh Hùng đồng lòng đăng ký hiến tạng để giúp những hoàn cảnh không may. Ảnh: Phương Duyên
Vợ chồng dược sĩ Trịnh Hùng đồng lòng đăng ký hiến tạng để giúp những hoàn cảnh không may. Ảnh: Phương Duyên
Để thuyết phục, anh Hùng dành thời gian tìm kiếm thông tin về người hiến tạng (trong đó có cả trẻ em) cùng những bài viết về niềm hạnh phúc của người cho và người nhận. Anh Hùng nêu suy nghĩ: “Khi mình hiến tạng thì dù mất đi nhưng vợ con sẽ vui khi biết mình vẫn hiện diện đâu đó trên cõi đời này. Nhưng hơn thế, tôi muốn dạy con cái về lòng nhân, muốn chúng nhìn vào đó mà sống. Bao nhiêu lời nói cũng không bằng một hành động. Tôi mong các con làm được gì đó cho đời dù là một việc nhỏ. Đừng chỉ nghĩ cho riêng bản thân mình!”. 
Dần dà, gia đình cũng hiểu ra tâm nguyện của anh và ủng hộ. Chị Thạch Thị Bích Quyên-vợ anh-đã đăng ký hiến tạng cùng đợt thông qua một tổ chức từ thiện. Họ cũng sắp xếp đâu đó chuyện hậu sự. “Tôi dặn dò các con hết rồi, nếu ba có nằm xuống thì phải gọi ngay số điện thoại in trên thẻ, như vậy thì nhân viên y tế mới đến kịp để tiếp nhận và ba mới hoàn thành được tâm nguyện của mình. Hãy nghĩ về cái chết một cách đơn giản”-anh Hùng bình thản nói về sự ra đi. Chị Quyên cũng tiếp lời: “Anh Hùng luôn là tấm gương cho con. Khi tham gia hoạt động thiện nguyện anh đều đưa con đi để hiểu thêm về việc mình làm, hiểu thêm về cuộc sống. Ngoài hiến tạng, anh còn mong muốn hiến xác cho y học nhưng các con chưa đồng tình vì thương ba”. 
Trao đổi với P.V, anh Lê Đức Lâu-Chủ nhiệm “Câu lạc bộ Những người hiến tạng” tại Gia Lai-cho biết: Anh là đầu mối kết nối giữa Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh) với hơn 30 người đã đăng ký trên địa bàn tỉnh. Trong số này, người nhỏ tuổi nhất mới 26, người cao tuổi nhất là 61. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân còn tự liên hệ hoặc thông qua các tổ chức thiện nguyện khác để đăng ký với Bệnh viện Chợ Rẫy. “Không phải ai cũng nghĩ đến sự cho đi nhẹ nhàng như họ. Đây là những câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng”-anh Lâu xúc động cho hay.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm