(GLO)- Qua khỏi những rừng thông thẳng tắp, những đồi chè xanh ngắt của Biển Hồ chè, thôn 2, xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah) dần hiện ra với những mái nhà nhấp nhô, im lìm dưới nắng trưa. Đây là nơi định cư của hơn 100 công nhân được người Pháp mộ từ các tỉnh lân cận về làm công nhân đồn điền chè Biển Hồ, là một trong những người Kinh tiên phong đặt chân lên mảnh đất đỏ bazan này.
Xóm Trải Mộ, làng Cỏ May ngày ấy
Theo chân trưởng thôn Đỗ Văn Túc, tôi tìm đến nhà cụ Phạm Thị Làm sinh năm 1922. Trong căn nhà cũ 40 mét vuông (từ hồi thực dân Pháp xây cho công nhân làm đồn điền chè, sau này để lại cho công nhân), bức tường xanh đã nhuốm màu vàng đen, mùi ẩm mốc phảng phất... chúng tôi được bà cụ chậm rãi kể lại những ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Gia Lai.
Cụ Phạm Thị Làm là một trong những người Kinh tiên phong lập nghiệp trên mảnh đất Gia Lai. Ảnh: N.T |
Xuất thân từ huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cụ theo ba mẹ di tản lên thị xã An Khê, Gia Lai và cụ đặt chân lên vùng chè khi vừa tròn đôi mươi. Đến nay cụ đã 95 tuổi, dù không còn đi lại nhanh nhẹn, nhưng cụ vẫn minh mẫn, giọng nói hào sảng kể chuyện. Cụ còn nhớ như in những những kỷ niệm của đời công nhân hái chè tại đồn điền: “Xung quanh không có bóng người, chỉ một màu xanh non của đồi chè mới trồng. Đồn điền chè từ thời Pháp rồi chuyển sang chủ người Tàu trải rộng đến tận chân núi, tổng diện tích lúc đó gần 3.000 ha. Khi đó, chỉ có 100 công nhân được thực dân Pháp mộ phu về từ các tỉnh đồng bằng lân cận như Bình Định, Quảng Ngãi... cùng ở những ngôi nhà 40 mét vuông do người Pháp xây sẵn. Mỗi căn chứa được 5-7 công nhân hoặc 1 cặp vợ chồng. Cuộc sống vất vả, khó khăn đủ bề. Mỗi tháng được nghỉ 4 ngày nhưng cụ chẳng biết đi đâu vì thấy sợ “cảnh đồng không mông quạnh” ngoài khu vực đồi chè và cũng sợ cảnh bom đạn ì ầm ngoài kia”.
Cùng là công nhân đồn điền chè, cụ Hà Sơn (sinh năm 1927) đến từ huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũng là một trong những người đầu tiên bước chân lên mảnh đất này. Là một người hoạt động Cách mạng, đến năm 1954, vì hoàn cảnh cuộc sống, cụ lên mảnh đất Tây Nguyên làm công nhân cho đồn điền chè Biển Hồ. Ngày đầu đặt chân lên vùng đất khốn khó bao phủ một màu xanh của chè, cụ thấy khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nạn trộm cắp hoành hành khiến mọi người không yên. Cụ Sơn nhớ lại: “Hầu hết công nhân ở đây là người Bình Định được người Pháp mộ phu lên. Vì thế mảnh đất này được chúng tôi đặt tên là xóm Trải Mộ. Làm thời ông chủ người Pháp, rồi đến chủ người Tàu, cái ăn chốn ở cũng khó khăn. Phải siêng năng và khéo tay mới có thể đủ ăn. Còn nơi ở thì có 4-5 gia đình, già trẻ gái trai cũng nhập chung một nhà. Những dãy nhà san sát có đến mấy trăm gia đình công nhân sinh sống. Thời gian qua đi, những dãy nhà trở nên cũ kỹ, dột nát khi mưa lớn. Cả làng đều sợ những ngày mưa gió. Nhà thì dột, hai cây chắn gió bên đường cứ trực đổ sập nhà. Rồi đến những căn bệnh nơi rừng thiêng nước độc, thêm nạn trộm cắp nữa khiến cuộc sống công nhân vốn đã vất vả lại thêm phần lo âu”.
Căn nhà số 40 được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Ảnh: N.T |
Và bây giờ
Sau giải phóng, đồn điền chè được giao cho Nhà nước quản lý. Vượt qua mọi khó khăn thời bao cấp, những công nhân vẫn tiếp tục bám trụ với nghề hái chè. Nhờ những cây chè, các thế hệ nối tiếp cũng dần lớn lên. Hiện giờ, những công nhân đầu tiên trên mảnh đất đỏ bazan như cụ Làm, cụ Sơn, cụ Thịnh... tuổi cũng xế chiều. Tiếp nối nghiệp của các cụ, đến 4 đời sau con cháu cũng theo nghề, một số đi làm ăn ở phố thêm thu nhập cho gia đình. Có gia đình được nhận khoán diện tích đồi chè, khoán đất đã chuyển đổi một phần diện tích chè cằn cỗi sang trồng cà phê tăng thu nhập. Nhiều hộ gia đình được nhà nước hỗ trợ vốn phát triển kinh tế.
Nhờ đó, bộ mặt nông thôn thay đổi, cuộc sống người dân ngày càng nâng cao. Xóm Trải Mộ, làng Cỏ May ngày ấy giờ cũng được thay tên là thôn 2, xã Nghĩa Hưng với 686 nhân khẩu/146 hộ. Cụ Lam miệng móm mém cười: “Giờ thì thay đổi nhiều so với ngày trước rồi, khồng còn phải vất vả, thiếu thốn nữa. Nhà cửa khang trang, đường xá thuận tiện đi lại. Bệnh viện, trường học đều đầy đủ với thiết bị hiện đại. Thiếu những gì thì đều có thể tìm mua được”.
Cụ Sơn không còn phải đi làm thuê nữa mà làm chủ hẳn mảnh đất rộng trồng cà phê, các con đều có việc làm ổn định. Hàng ngày, cụ vẫn đạp xe chầm chậm qua các con đường trải nhựa phẳng lì, ngắm những ngôi nhà khang trang đang dần mọc lên và ngắm những đồi chè xanh mướt đầy sức sống. “Chứng kiến sự thay đổi của vùng đất cao nguyên, tôi thực sự phấn khởi. Các khu đô thị phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, cuộc sống người dân được nâng cao. Người dân có quyền tự do, con cái được chăm sóc, học hành đến nơi đến chốn với điều kiện tốt nhất. Tôi vẫn thường kể chuyện về những khó khăn khi mới đặt chân lên vùng đất đỏ cho con cháu thấy được nỗi vất vả, cơ cực của ông bà để có được cuộc sống ấm no như ngày nay”, cụ Sơn cho biết.
Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Ảnh: N.T |
Theo ông Đỗ Văn Túc, trưởng thôn 2, xã Nghĩa Hưng, hiện giờ thôn chỉ còn 4 căn nhà giữ lại từ thời Pháp thuộc với lối kiến trúc như mái nhà được lợp ngói vảy cá, cửa gỗ, nền gạch... Cuộc sống ngày càng cao, người dân đã dần thay thế những ngôi nhà theo lối kiến trúc xưa bằng những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Thu nhập bình quân đầu người trong thôn 30 triệu đồng/người/năm. Thôn 2 đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thời gian trôi qua, vùng đất đỏ bazan đang dần chuyển mình, kinh tế-xã hội phát triển. Nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo được triển khai có hiệu quả. Nhờ vậy, đời sống của người dân ngày được cải thiện, diện mạo chung của cả vùng ngày càng khởi sắc.
Ngọc Thu