13 người khuyết tật tỉnh Gia Lai lên đường tới Đà Nẵng tham dự Hội thi thể thao- văn nghệ người khuyết tật toàn quốc lần thứ VI. Chưa biết kết quả tranh tài thế nào, nhưng ngay từ bây giờ, mỗi người trong số họ đã xứng đáng được trao một tấm huy chương cho ý chí, nghị lực vượt lên chính mình, hòa nhập với cuộc sống.
Đứng lên trên đôi chân tật nguyền
Nếu không có sự giới thiệu của anh Nguyễn Công Phương- Phó Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ (Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Gia Lai) hẳn tôi không dám tin Nguyễn Văn Thành (28 tuổi, ở tổ 17, phường Hội Thương, TP. Pleiku) lại là một người khuyết tật. Thành có khuôn mặt đẹp trai và phần thân trên vạm vỡ mà rất nhiều người đàn ông nào cũng phải mơ ước. Chỉ đến khi Thành bước đi với cái dáng hơi nghiêng, có phần gượng gạo, tôi mới nhận ra phần khiếm khuyết ở đôi chân của anh.
Vận động viên Nguyễn Văn Thành chăm chỉ tập luyện trước ngày đi thi đấu. Ảnh: T.D |
Cũng có cùng hoàn cảnh và ý chí phấn đấu vươn lên như Thành là Nguyễn Phi Vũ (29 tuổi, ở xã Nam Yang, huyện Đak Đoa). Vũ bị teo chân phải từ nhỏ sau một lần trúng gió. Không cam chịu đầu hàng số phận, 7 năm trước, Vũ đạp xe bằng một chân từ Nam Yang lên TP. Pleiku học sửa chữa máy vi tính. Trong thời gian học nghề, Vũ đã gặp Thành. Đồng cảm với cảnh ngộ của bạn, Thành kéo Vũ đến với phòng tập thể hình. Từ một chàng trai ốm yếu chỉ nặng hơn 40 kg, giờ Vũ đã tăng lên đến 55 kg. Tuy chưa thể vứt bỏ được chiếc nạng gỗ như Thành nhưng Vũ cũng đã có một cuộc sống ổn định với một cửa hàng sửa chữa thiết bị văn phòng ở Nam Yang. Anh cũng đã lấy vợ và có một cô con gái xinh xắn.
Ảnh: T.D |
Ngoài 2 môn cử tạ và bóng bàn, lần này, Gia Lai còn cử 5 vận động viên thi đấu môn điền kinh tại Hội thi thể thao- văn nghệ người khuyết tật toàn quốc gồm: Kpah Yưk, Ksor Mái, Lum, Rơ O Bé và Rơchâm Tlen. Họ là những chàng trai người dân tộc Bahnar, Jrai ở các huyện Phú Thiện, Ia Pa. Trong lần đầu được đi xa thi đấu thể thao, Tlen hồ hởi: “Anh em vui lắm. Ai cũng cố gắng tập luyện để giành thành tích cao”.
Hòa nhập với đời bằng tiếng hát
Nếu như các năm trước, Hội Người khuyết tật Việt Nam chỉ tổ chức Hội thi thể thao thì lần này, nội dung văn nghệ cũng được đưa vào tranh tài. Để chuẩn bị cho phần thi văn nghệ, từ nhiều ngày qua, 5 gương mặt trong đoàn khuyết tật Gia Lai gồm các anh chị: Bùi Ngọc Thành, Nguyễn Văn Dũng, Phùng Thọ, Dương Thị Hạnh (đều ở TP. Pleiku) và Ksor Niu (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã miệt mài tập luyện tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh. Theo đăng ký, đoàn Gia Lai sẽ biểu diễn 4 tiết mục: Độc tấu ghi ta “Bóng núi Tây Nguyên”, đơn ca nữ “Tình cây và đất”, độc tấu đàn goong có phụ đệm bài “Lên rẫy” dân ca Jrai và tốp ca “Vượt lên số phận”.
Điều đặc biệt nhất của đội văn nghệ là bài hát “Vượt lên số phận” lại do chính một thành viên của đội là anh Bùi Ngọc Thành sáng tác. Anh Thành kể: Bài hát này được sáng tác cách đây 6 năm. Trong những ngày khó khăn, tôi luôn nghĩ, mình phải chủ động hòa nhập với đời chứ đừng đợi mọi người đến hòa nhập với mình. Tôi đã chọn âm nhạc vì âm nhạc không chỉ làm cho cuộc sống tươi trẻ hơn mà còn là phương tiện hữu hiệu để liên kết mọi người với nhau. Tôi viết như một sự động viên đối với chính bản thân mình và những người đồng cảnh ngộ. Nghĩ sao thì viết vậy. Không ngờ bài hát lại được rất nhiều người yêu thích và chúng tôi quyết định đem bài hát đến hội thi.
Đội văn nghệ đang tập luyện. Ảnh: T.D |
…Tàn nhưng không phế. Đấy chính là quyết tâm của những người như anh Thành, anh Vũ, anh Minh, chị Hạnh, của Yưk, Bé, Tlen… đã tâm niệm và chứng minh trong cuộc sống khi vượt lên mặc cảm tật nguyền và những khó khăn bộn bề để hòa nhập với đời. Không ai khác, chính họ sẽ là tấm gương, là nguồn động viên, cổ vũ cho những người khuyết tật tỉnh ta có thêm niềm tin hơn, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống, trở thành những người có ích cho xã hội.
Tiến Dũng