Quản lý hầu bao

Khởi nghiệp

Những phụ nữ tự tin khởi nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng lợi thế công nghệ 4.0, nhiều chị em phụ nữ ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) đã tự tin khởi nghiệp bằng những mô hình hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Với mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo, mỗi tháng, gia đình chị Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thị trấn Ia Ly) thu nhập 35-50 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Trước đây, gia đình chị Liên có 5 sào đất trồng cà phê. Sau khi tìm hiểu một số mô hình phát triển kinh tế, chị quyết định chuyển đổi diện tích cà phê này sang trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Chị Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) bên sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình. Ảnh: Đinh Yến

Chị Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) bên sản phẩm đông trùng hạ thảo của mình. Ảnh: Đinh Yến

Đầu năm 2019, chị đầu tư xây dựng khu nuôi trồng nấm rộng khoảng 150 m2 và tiến hành phá bỏ 5 sào cà phê để trồng dâu nuôi tằm nhằm lấy xác nhộng tằm làm nguyên liệu ươm nuôi nấm. Cấy phôi nấm trên xác nhộng tằm khoảng 65-85 ngày là nấm cho thu hoạch. Có nguồn nguyên liệu, chị Liên bỏ ra 1 tỷ đồng mua máy móc phục vụ việc nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Để mở rộng sản xuất, mới đây, chị còn đầu tư thêm phòng thí nghiệm và các loại máy sấy, phân loại chủng nấm… với tổng kinh phí hơn 600 triệu đồng. “Hiện cơ sở của tôi đang nuôi cấy 1.000 hộp phôi nấm đông trùng hạ thảo/tháng, tỷ lệ thành công đạt 80-90%. Đông trùng hạ thảo cấy trên xác nhộng tằm có giá bán 50 triệu đồng/kg, còn loại đông trùng hạ thảo khô là 35 triệu đồng/kg”-chị Liên chia sẻ.

Cũng theo chị Liên, nấm đông trùng hạ thảo là dược liệu quý và phải trồng trong môi trường vô trùng của phòng thí nghiệm. Trong sản phẩm nấm có 2 dược chất chỉ tồn tại ở đông trùng hạ thảo, có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển là Adenosin và Cordycepi.

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình chị Liên mang tên Trung Phúc với nhiều loại đạt chứng nhận OCOP 3 sao như: đông trùng hạ thảo tươi; đông trùng hạ thảo sấy khô, ngâm rượu, ngâm mật ong; đông trùng hạ thảo cấy trên xác nhộng tằm. Các sản phẩm nấm đang được bán tại các đại lý và trên sàn thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (cùng tổ) cũng là một điển hình về phụ nữ khởi nghiệp của huyện Chư Păh. Năm 1993, chị Xuân rời quê hương Nghệ An vào Gia Lai làm công nhân xây dựng Nhà máy Thủy điện Ialy. Sau đó, chị quyết định nghỉ việc rồi mua đất tại thị trấn Ia Ly để làm vườn.

Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, 2 ha cà phê của gia đình phát triển tốt. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch, giá cà phê lại xuống thấp khiến cuộc sống gia đình rơi vào bấp bênh. Không nản chí, vợ chồng chị tiếp tục đầu tư trồng cà phê theo hướng bền vững. Nhờ đó, vườn cà phê đạt năng suất ổn định ở mức gần 4 tấn nhân/ha.

Ngoài ra, chị còn học hỏi cách rang xay cà phê và mở cơ sở chế biến cà phê bột mang thương hiệu Xuân Dương. Sản phẩm cà phê Xuân Dương đã được chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ thương hiệu. Năm 2019, cà phê Xuân Dương được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và năm 2020 được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly) giới thiệu sản phẩm cà phê sạch. Ảnh: Đ.Y

Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly) giới thiệu sản phẩm cà phê sạch. Ảnh: Đ.Y

Bà Nguyễn Thị Bảy-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Păh: Các chị Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Hiền và Nguyễn Thị Thanh Xuân là những phụ nữ cần cù, chịu khó, luôn tìm hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. 3 chị có tên trong danh sách 24 gương tiêu biểu phụ nữ làm kinh tế giỏi được Hội chọn để tuyên dương vào cuối tháng 8-2024.

Từ năm 2016 đến nay, chị Xuân vẫn kiên trì theo đuổi đam mê làm cà phê sạch và rang xay cà phê. Chị chia sẻ: “Đến nay, tôi đã mở 2 quán cà phê tại Đà Nẵng và Gia Lai; đồng thời, đẩy mạnh phân phối sản phẩm ra thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định… Với việc trồng và kinh doanh cà phê, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập hơn 1 tỷ đồng”.

Còn chị Nguyễn Thị Hiền (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) lại luôn trăn trở tìm cách để tiêu thụ hiệu quả sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Vì vậy, chị Hiền đứng ra vận động phụ nữ tham gia Tổ liên kết “Kết nối thu mua tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả và các mặt hàng nông sản”. Tháng 3-2018, tổ liên kết ra mắt với 7 thành viên. Đến nay, tổ có 50 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 10 ha.

Sản phẩm chính của tổ liên kết là chuối, đu đủ và rau màu các loại. Để bảo đảm nguồn cung ổn định và giữ thị trường, các sản phẩm đều được chị Hiền bao tiêu với giá ổn định. Chị chia sẻ: “Từ việc liên kết này, sản phẩm của tổ bán rất chạy, thu nhập của các thành viên cũng tăng lên đáng kể. Thời gian tới, cùng với sự kết nối, định hướng của xã, chúng tôi sẽ mở rộng vùng trồng để cung ứng và tiêu thụ nông sản cho người dân, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”.

Có thể bạn quan tâm