Việc nhà đầu tư không tiến hành thẩm định, thẩm tra đánh giá toàn diện các dữ liệu thông tin về dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng như khả năng kinh doanh, lợi thế dự án, năng lực chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư… sẽ gây ra hậu quả xấu.
Đầu tư nhỏ lẻ, theo đám đông
Chia sẻ tại Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 vừa tổ chức, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tiềm năng để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam còn rất lớn nhưng, thực trạng hiện nay, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thường đi theo đám đông, nghe lời đồn đoán và thường bị các hình ảnh quảng cáo cũng như chỉ nghe một phía từ chủ đầu tư để quyết định xuống tiền đầu tư.
TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam. |
Theo ông Đính, nhà đầu tư thường không tiến hành thẩm định, thẩm tra đánh giá toàn diện các dữ liệu thông tin về dự án cũng như khả năng kinh doanh, lợi thế dự án, năng lực chủ đầu tư và đơn vị quản lý vận hành sau đầu tư; Sự phù hợp của sản phẩm và những ưu thế nổi trội, giá bán… Đây là thói quen gây ra hậu quả.
"Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng là từ đầu tư bất động sản nhà ở chuyển sang, chưa có thói quen đầu tư đồng bộ mà chỉ xây nhà để bán, thiếu kinh nghiệm, thiếu chính sách phát triển đồng bộ", ông Đính nói.
Nhận định về xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng thời gian tới, ông Đính cho rằng, nhà đầu tư sẽ chuyên nghiệp hơn, cẩn trọng hơn trong việc đầu tư vào các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Những dự án yếu thế, kém khả năng khai thác kinh doanh, dự án không có phương án kinh doanh cụ thể, không tính hiệu quả, chắc chắn sẽ không phải là lựa chọn của các nhà đầu tư.
Pháp lý cũng rất quan trọng với nhà đầu tư thứ cấp nhưng tôi cho rằng quan trọng nhất là lợi nhuận đầu tư mang lại gì. Đầu tư phải theo tính đồng bộ, đa dạng loại hình du lịch vui chơi, giải trí, ẩm thực, hội nghị… nhiều mô hình khép kín.
Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ tiện ích.. sẽ khó thu hút được giới đầu tư trong thời gian tới. |
"Trước đây, Việt Nam có mô hình tổ hợp của Vingroup, Sun Group, CEO Group,... Giờ đây tôi thấy nhiều hơn các chủ dự án phát triển theo mô hình tổ hợp này, đó là xu hướng tiêu dùng và cũng là xu hướng lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư thứ cấp. Vân Đồn tuy đi sau nhưng sự lựa chọn của Quảng Ninh với Vân Đồn tôi cho là hợp lý. Đầu tư vào thị trường Vân Đồn rất đáng lưu tâm", ông Đính nói.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính còn cho biết, nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng hiện nay ngày càng đa dạng, phong phú và chất lượng. Do vậy đòi hỏi các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng luôn phải đổi mới, đầu tư đa dạng tiện ích với chất lượng cao nhằm nâng cao năng lực hút khách mới đảm bảo hiệu quả đầu tư kinh doanh.
Đặc biệt, một khu du lịch muốn hút được nhiều khách cần phải đầu tư đồng bộ hệ sinh thái dịch vụ cũng như tính nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hoá, nhạc hội, công viên sinh thái đa dạng loài động thực vật.
Nhà đầu tư cần phải đánh giá được lực hút khách của dự án mà mình đang xem xét, khả năng kinh doanh ổn định và tính bền vững. Dự án càng đầu tư đồng bộ, đa dạng thì càng có nhiều khả năng sinh lời tốt.
Cần hàng trăm nghìn phòng lưu trú mới
Cũng chia sẻ tại Tọa đàm trên, Phó Chủ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam - qua khảo sát tại 10 tỉnh thành phố bám sát biển, có lợi thế khai thác biển thì có 216 dự án phát triển du lịch bất động sản nghỉ dưỡng, trong số đó có khoảng 140 ngàn sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng với khoảng hơn 40 nghìn sản phẩm dự án đưa vào khai thác sử dụng, còn lại là đang thực hiện, chuẩn bị xây dựng.
Bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam còn nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển trong thời gian tới. |
Trong khi đó, theo ông Đính tiềm năng thị trường là: Năm 2019 có 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 67/136 quốc gia về năng lực ngành du lịch, năm 2019 đứng thứ 63/140 quốc gia.
Triển vọng du lịch Việt Nam theo Quyết định 147/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 đạt Top 3 Đông Nam Á và Top 50 thế giới về năng lực cạnh tranh du lịch; ít nhất đạt 35 triệu khách du lịch quốc tế; ít nhất 120 triệu khách du lịch nội địa. Đến năm 2030, đạt Top 30 quốc gia có năng lực du lịch mạnh; đạt 50 triệu lượt khách du lịch quốc tế; đạt 160 triệu lượt khách du lịch nội địa. Đây là con số chúng tôi cho rằng là thách thức nhưng tin tưởng sẽ đạt được nếu cả hệ thống vào cuộc.
Về hạ tầng lưu trú, để đáp ứng được mục tiêu kế hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025 theo tinh thần Quyết định 147/QĐ-TTg trên, chúng ta cần phải đạt 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, tức là 365 ngày tối thiểu cần khoảng 400.000 phòng lưu trú. Trong khi Việt Nam hiện mới đạt ngưỡng gần 100.000 phòng (32.000 phòng chất lượng 5 sao; 31.000 phòng 4 sao; 33.000 phòng hạng 3 sao - Theo số liệu của Tổng cục Du lịch).
"Ngành du lịch còn cần thiết phải đầu tư phát triển mới khoảng 300.000 phòng lưu trú. Và đến 2030 phải phát triển thêm một số lượng phòng lưu trú tương đương với số lượng nêu trên nữa. Đó chính là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản cũng như nhà đầu tư thứ cấp", ông Đính nhấn mạnh.
Theo Trần Kháng (Dân Việt)