(GLO)- Trở về cuộc sống đời thường khi một phần thân thể đã gửi lại nơi chiến trường, rất nhiều thương binh ở tỉnh ta đã vượt qua những khó khăn, vươn lên trong cuộc sống…
Không cam chịu đói nghèo
Cách đây 40 năm, thương binh Nguyễn Quang Chiến (thôn 5, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) với sức trẻ căng tràn và đầy nhiệt huyết đã xung phong đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Từ năm 1977 đến 1983, ông cùng đồng đội vượt qua bao hiểm nguy, gian khó. Cuối năm 1983, ông hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trở về quê hương Quảng Trị. Song vì điều kiện đất đai ít, cuộc sống khó khăn, năm 2007, ông Chiến đưa gia đình vào Nghĩa Hưng lập nghiệp.
Ông Mung (làng Mrăh, xã Kdang, huyện Đak Đoa) là một tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi. Ảnh: Đ.Y |
Không cam chịu đói nghèo, người thương binh này đã xin làm bảo vệ vườn cây của Công ty Chè Biển Hồ và nhận 1 ha chè của Công ty chăm sóc. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi gà, bò, mỗi năm cho thu hàng tấn thịt và trứng. Nhờ vậy, gia đình ông mua thêm được 3 ha đất trồng cà phê và hồ tiêu. Hiện nay, mỗi năm trừ hết chi phí gia đình ông cũng để dành được nửa tỷ đồng. Cuộc sống ổn định, ông mua sắm đầy đủ tiện nghi trong gia đình, có điều kiện nuôi con ăn học thành đạt. Ông Nguyễn Quang Chiến chia sẻ: “Nhiều lúc trái nắng trở trời, người đau ê ẩm, có lúc không dậy được. Nhưng là trụ cột trong gia đình, tôi cố gượng dậy và làm kinh tế. Nhìn thấy các con học hành ngoan ngoãn, cà phê, hồ tiêu cho giá trị sản lượng cao, tôi mừng lắm!”.
Năm 2007, ông Chiến được bà con nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn và được chi bộ thôn 5 bầu làm Phó Bí thư chi bộ. Năm 2016, ông xin nghỉ chuyển sang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Chiến binh sản xuất-kinh doanh giỏi huyện Chư Pah. Ở cương vị nào, thương binh Nguyễn Quang Chiến cũng luôn gương mẫu. Ông còn thường xuyên giúp đỡ đồng đội và các gia đình khó khăn về vốn, cây giống.
Trồng nhiều cây, nuôi nhiều con
Cũng như ông Nguyễn Quang Chiến, ông Mung (76 tuổi, làng Mrăh, xã Kdang, huyện Đak Đoa) đã trở thành gương thương binh làm kinh tế giỏi của làng.
Ông Mung tham gia bộ đội từ năm 1970, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Trong một trận đánh ở An Khê, ông bị thương ở đầu và chân. Do vết thương quá nặng, ông được chuyển về tuyến sau điều trị. Sau 5 năm trong quân đội, ông trở về với đời thường, mang trong mình thương tật làm suy giảm 60% sức khỏe. Ông Mung kể: “Mình là một trong những người lính may mắn trở về khi đất nước thống nhất. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, “Thương binh tàn nhưng không phế”, mình phải có trách nhiệm xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và bà con làng xóm”.
Năm 2002, bà con làng Mrăh được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ dự án đa dạng hóa nông nghiệp, giúp vay vốn trồng cao su tiểu điền (sau 20 năm sẽ hoàn trả lại phần vốn đã vay), lại được ngành Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ giống, kỹ thuật… Ông Mung là người đi đầu vận động và tham gia trồng 2 ha. 8 năm sau, cây cao su cho thu mủ vào đúng thời điểm giá mủ cao, bà con ai cũng phấn khởi. Gia đình ông Mung cùng chung niềm vui này. Số tiền bán mủ, ông đem trả tiền vay ngân hàng chăm sóc cao su trước đó. Còn vốn, ông bàn với gia đình chuyển đổi đất trồng cây ngắn ngày sang trồng cà phê, hồ tiêu. Với quyết tâm làm giàu, ông Mung thường xuyên tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Ông còn mua 6 con bò nuôi lấy phân bón cho cà phê, hồ tiêu. Cứ như thế, từ 6 con bò, có lúc đàn bò nhân lên đến 50 con; chưa kể đàn heo thịt hàng chục con. Hiện nay, ông Mung có 2 ha cao su, 2 ha cà phê, 500 trụ tiêu, 2 sào đất trồng lúa, nuôi bò, heo, sau khi trừ chi phí cũng để dành được gần nửa tỷ đồng.
Ông chủ trang trại gà siêu trứng
Thương binh Hoàng Văn Thùy (tổ 12, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) năm nay đã bước vào tuổi thất thập nhưng vẫn hoạt bát, nụ cười luôn thường trực trên môi. Nhiều bà con nông dân biết đến ông bởi đây là tấm gương điển hình về làm kinh tế giỏi. Không những thế, ông còn luôn quan tâm giúp đỡ đồng đội, những gia đình chăn nuôi khó khăn bằng cách bán thức ăn gia cầm trả chậm, không tính lãi.
Ông Thùy kể: Năm 1970, ông lên đường nhập ngũ và chiến đấu tại các chiến trường ở tỉnh Tây Ninh. Giữa năm 1973, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, không còn đủ sức khỏe tham gia chiến đấu. Phục viên về quê Hưng Yên, cuộc sống quá khó khăn, năm 2000, ông đưa gia đình vào TP. Pleiku làm trang trại nuôi gà siêu trứng. “Mới đầu có ít vốn, tôi nuôi 500 con gà và nuôi thêm chim cút. Về sau thấy việc nuôi gà thuận lợi, tôi phát triển lên dần đến nay là 5.000 con. Trung bình một ngày đàn gà cho từ 2.500 đến 3.000 quả trứng. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng lãi trên 20 triệu đồng. Nghề nuôi gà cũng mạo hiểm lắm, mỗi người có bí quyết riêng, song quan trọng vẫn là ở khâu phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường, chăm sóc gà thật tốt thì việc nuôi gà siêu trứng cũng không khó”-ông Thùy chia sẻ.
Đinh Yến