(GLO)- Sau gần 4 tháng ngừng hoạt động để giải quyết tranh chấp và sửa chữa máy móc, Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Phú Túc (huyện Krông Pa) đang chuẩn bị sản xuất trở lại. Đây thực sự là một tín hiệu vui đối với chính quyền và người trồng mì huyện Krông Pa.
Như Báo Gia Lai từng phản ánh, ngày 31-10-2012, Công ty TNHH Điện máy và Đầu tư Hải Phòng (GEAMTRACO) đã ký hợp đồng chuyển nhượng Nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu Phú Túc (gọi tắt là Nhà máy) cho Công ty TNHH Thực phẩm và Đầu tư (FOCOCEV) với trị giá 105 tỷ đồng. Theo đó, kể từ ngày 1-11-2012, FOCOCEV sẽ chính thức tiếp nhận việc bàn giao và trở thành chủ sở hữu mới của Nhà máy.
Nông dân Krông Pa không còn phải làm mì khô khi Nhà máy hoạt động trở lại. Ảnh: T.D |
Tuy nhiên, phải đến ngày 25-1-2013, FOCOCEV mới chính thức tiếp quản được Nhà máy sau khi GEAMTRACO và Công ty Xuất nhập khẩu Nông-Lâm sản và Vật tư Nông nghiệp giải quyết được tranh chấp phát sinh trong bản hợp đồng hợp tác kinh doanh ký hồi tháng 6-2011.
Theo Giám đốc Trương Quang Thuần, hệ thống máy móc của Nhà máy khi FOCOCEV tiếp quản đã bị hỏng hóc nặng nề. Thế nên, dù rất muốn đưa Nhà máy vào vận hành sớm để giải quyết nhu cầu tiêu thụ nông sản của người trồng mì trên địa bàn song vì lý do an toàn, FOCOCEV buộc phải tiếp tục dừng hoạt động để tiến hành sửa chữa tổng thể dây chuyền sản xuất. Nhằm đẩy nhanh tiến độ sửa chữa, ngay sau Tết Nguyên đán, FOCOCEV đã huy động 35 kỹ sư, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao từ nhiều nhà máy trực thuộc công ty kết hợp với số công nhân của Nhà máy bắt tay vào làm việc không kể ngày đêm.
Tuy nhiên, do phải đợi một số máy móc nhập từ nước ngoài nên theo ông Thuần, phải đến trung tuần tháng 3-2013 Nhà máy mới có thể đi vào hoạt động.
Về vấn đề được người dân hết sức quan tâm là việc thanh toán tiền mua mì, ông Trương Quang Thuần khẳng định: “Nhà máy đảm bảo sẽ không để xảy ra tình trạng nợ đọng với người dân. Trong trường hợp phải nợ tiền mì của dân, Nhà máy cũng sẽ không để kéo dài quá nửa tháng. Đặc biệt, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán hay sau khi kết thúc vụ, Nhà máy sẽ nhanh chóng trả tiền dứt điểm cho người dân”. Ông Thuần cho biết thêm, trong thời gian tới, Nhà máy sẽ kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa để triển khai việc trồng mì rải vụ nhằm kéo dài thời gian hoạt động của Nhà máy.
Bên cạnh đó, FOCOCEV cũng đang có kế hoạch xây dựng một dây chuyền sản xuất tinh bột mì công suất 200 tấn sản phẩm/ngày tại huyện Krông Pa, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong niên vụ 2013-2014. Cùng với dây chuyền 120 tấn thành phẩm/ngày hiện nay, Nhà máy sẽ đáp ứng tốt khả năng tiêu thụ cho vùng nguyên liệu mì ở huyện Krông Pa và các địa phương lân cận.
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp quản Nhà máy, FOCOCEV đã tạo được ấn tượng tích cực với chính quyền và người dân huyện Krông Pa. Ông Nguyễn Quang Huy-Chủ tịch UBND thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa cho biết: “Người trồng mì đang rất phấn khởi và tin tưởng vào Nhà máy”. Còn ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa cho rằng: “Việc Nhà máy hoạt động trở lại sẽ tạo ra sự cạnh tranh tích cực trên thị trường và tạo được niềm tin để người trồng mì yên tâm sản xuất trong niên vụ tới”.
Tiến Dũng