TN - Đất & Người

Niềm hạnh phúc lớn nhất của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 20 năm ròng rã người mẹ ấy phải vượt sức, làm việc gấp đôi, gấp ba người thường để nuôi 2 người con ăn học thành tài. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cô hôm nay chính là nhìn thấy các con khôn lớn và có cuộc sống ổn định, thỏa ước nguyện của người chồng đã đi xa, yên nghỉ chốn vĩnh hằng…

Năm 1991, đang công tác tại Tổng kho Long Bình (trước thuộc Tổng cục Hậu cần) thì người chồng thân yêu và là chỗ dựa vững chắc nhất của gia đình mãi mãi đi xa bởi cơn bạo bệnh. Cũng từ đó, cô Vũ Thị Phấn (tổ 3, phường Thống Nhất-TP. Pleiku) phải một mình gồng gánh nuôi con.

 

Cô Phấn và các chị em trong đội Vệ sinh đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Cô Phấn và các chị em trong đội Vệ sinh đang làm nhiệm vụ tại Trung tâm Thương mại Pleiku. Ảnh: Lê Hòa

Khoảng thời gian đầu sau khi chồng mất, cô như người mất phương hướng. Cảm thấy như không thể tiếp tục cuộc sống nơi mảnh đất xa lạ này, cô đưa các con quay trở về quê ở Kinh Môn-Hải Dương sinh sống cùng người thân. Thế rồi chẳng biết duyên cơ nào, cô lại cùng các con vào Gia Lai lập nghiệp. “Vào Gia Lai tôi xin đi làm công nhân cho Công ty Công trình Đô thị Pleiku. Để kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học, tôi làm hợp đồng thêm một suất với Bệnh viện 211. Ở nhà, tôi lại nấu rượu, chăn thêm đàn heo kiếm tiền trang trải cuộc sống”- cô Phấn, kể lại.

Một mình gánh ngần ấy công việc, vậy nên suốt từ khi mặt trời còn chưa mọc cho tới tận đêm khuya, cô gần như chẳng được ngơi tay. “Cứ 5 giờ sáng tôi đã phải có mặt ở bệnh viện để làm việc. 11 giờ trưa lại quay về nhà, nấu rượu, chăm đàn heo lúc nào cũng đều đặn trên 20 con. 1 giờ chiều lại đạp xe lên phố dọn vệ sinh tới tận 9-10 giờ đêm mới được về nhà. Cứ ròng rã hành trình ấy suốt 20 năm không một giấc nghỉ trưa…”-cô Phấn kể lại.

Động lực để cô làm việc không biết đến nghỉ ngơi chính là ở hai đứa con. Biết mẹ vất vả không ngơi tay, 2 đứa con của cô ai cũng học hành chăm chỉ. Công lao của cô phần nào được bù đắp khi 2 đứa con lần lượt thi đỗ vào Đại học. Chị lớn Phạm Thị Miền tốt nghiệp THPT thi đậu vào Trường Đại học Mở Hà Nội. 2 năm sau, cậu em út Phạm Văn Phong nối bước chị, trở thành sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh. Thương mẹ, suốt năm tháng gắn bó nơi giảng đường đại học, hai chị em vừa học, vừa tìm việc làm thêm kiếm tiền trang trải việc học, đỡ đần cho mẹ. Tốt nghiệp đại học, 2 chị em lần lượt thi đậu thạc sĩ và bảo vệ thành công. Đến nay, nhờ sự tảo tần hy sinh của mẹ và sự nỗ lực của bản thân, 2 chị em Miền-Phong đã có công việc ổn định. Chị Miền hiện đang công tác tại Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và cậu em Phạm Văn Phong hiện là nhân viên của Công ty Ý tưởng Việt (TP. Pleiku).

Trong tiềm thức, cô Phấn vẫn nhớ như in khoảnh thời gian khốn khó nhất của mấy mẹ con. Khi đấy vào khoảng đầu năm 2000. Nhà ván mục nát, muốn đổ sập bởi quá cũ kỹ, lại không có bàn tay người đàn ông chăm lo. Đêm mưa gió, hai mẹ con nằm ôm nhau ngủ (chị Miền ở quê với ông bà) vẫn nghe tiếng lẹt kẹt trên mái nhà. Có đêm gió mạnh, chẳng dám ngủ trong  nhà vì sợ sập. Mọi người động viên, giúp đỡ để chị cất lên ngôi nhà cấp 4, ở cho yên tâm.

Năm 2010, việc học hành của các con cơ bản đã ổn định, cô Phấn xin nghỉ hợp đồng ở Bệnh viện 211. Công việc bớt đi, cô có thêm chút thời gian dành cho mình. “Mình làm mọi việc cũng chỉ vì tương lai các con. Thấy con học hành đến nơi đến chốn, vậy là mãn nguyện lắm rồi. Sang năm tôi cũng đến tuổi nghỉ hưu, mà ngần ấy năm bươn bả, giờ cũng muốn nghỉ ngơi, vui vầy với con cháu rồi”-cô Phấn, vui vẻ tâm sự.

…Các con khôn lớn, hạnh phúc đã mỉm cười-một kết quả đẹp và xứng đáng cho những gì cô Phấn đã cố gắng, hy sinh trong suốt hành trình hơn 20 năm trời ròng rã.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm