Níu chân du khách từ những chuyến xe an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều du khách không giấu được sự hài lòng khi trải nghiệm trên những chuyến xe đưa họ vượt đường xa để tìm về Phố núi Pleiku.
Đi đầu về chất lượng dịch vụ 
Nhiều người dân trong tỉnh và du khách sử dụng dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp (DN) khai thác tuyến Gia Lai đi/đến các tỉnh, thành trên cả nước đều dành thiện cảm nhất định sau mỗi hành trình trải nghiệm.
Ông Nguyễn Thái Tuấn (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) kể lại: “Tôi đi xe khách thường xuyên bởi công việc phải vào Nam, ra Bắc. Năm 2005, khi cả nước còn sử dụng các loại xe khách ghế ngồi thì các đơn vị vận tải khách Gia Lai đã sử dụng rất phổ biến các dòng xe 45 chỗ ghế ngả. Cả nước khi ấy chỉ có một số DN lớn đầu tư sử dụng dòng xe này như: Mai Linh, Thuận Thảo, Phương Trang, Hải Âu… Chỉ một vài năm sau, các DN vận tải Gia Lai lại rộ lên cuộc đua trang bị xe giường nằm, gần đây nhất là các dòng xe mobi-home với các phòng nằm riêng biệt 20-30 phòng nằm/xe”. 
Cảnh tấp nập tại Bến xe Đức Long Gia Lai vào khu giờ cao điểm. Ảnh Đức Thụy
Cảnh tấp nập tại Bến xe Đức Long Gia Lai vào khu giờ cao điểm. Ảnh: Đức Thụy
Còn nhớ thời điểm năm 2006, nhà xe Trần Tiến khá “được lòng” khách đi/về các tỉnh phía Bắc với khẩu hiệu chân phương, mộc mạc được in rất lớn phía trước xe: “Về quê cùng Trần Tiến”. Xe xuất phát tại Bến xe Đức Long Gia Lai vào 8 giờ sáng hàng ngày.
Trước giờ khởi hành, đại diện lãnh đạo công ty trong trang phục chỉnh tề chào khách và thông báo đầy đủ lộ trình xe di chuyển, các điểm đón khách, giờ ăn và nhà hàng xe sẽ ghé dùng cơm dọc chuyến đi và cả số điện thoại để khách hàng liên hệ, phản ánh. Trên xe có trang bị nước lọc, khăn lạnh cho hành khách và thông tin về thời tiết tại các điểm đến để khách hàng chủ động…
Những việc này có thể bây giờ đã thành chuyện thường thấy ở hầu hết các chuyến xe khách đường dài. Tuy nhiên, ngược về 15 năm trước thì dịch vụ như vậy là một sự khác biệt, đã thổi một luồng gió mới, khởi đầu cho sự thay đổi cung cách phục vụ của các nhà xe.
Đến “cảng hàng không mặt đất”
Năm 2006, Bến xe Đức Long Gia Lai là bến xe liên tỉnh đầu tiên trên cả nước được đầu tư theo hình thức xã hội hóa do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ công trình công cộng Đức Long Gia Lai đầu tư. Ông Nguyễn Tường Cọt-Giám đốc Bến xe Đức Long Gia Lai-thông tin: Bến xe Đức Long Gia Lai có diện tích 25.000 m2, sức chứa 1.500 xe, hạ tầng bến bãi được xây dựng bài bản, quy mô, hiện đại, sử dụng trang-thiết bị cao cấp, đồng bộ. Tập đoàn đã dành tâm huyết để xây dựng bến xe đạt tiêu chuẩn loại 1.
Ngày 1-1-2006, Bến xe chính thức đưa vào hoạt động. Ngay trong năm, Bến xe được Chương trình bình chọn “Sản phẩm Việt uy tín, chất lượng năm 2006” trao chứng nhận Cúp vàng. Cuối tháng 2-2012, Bến xe Đức Long Gia Lai vinh dự được đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào đến thăm. Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình này, đồng thời nhấn mạnh đây là bến xe xã hội hóa kiểu mẫu, xứng đáng để các tỉnh khác học hỏi, nhân rộng.
Hành khách tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Hành khách tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Đến nay, Bến xe Đức Long Gia Lai vẫn phục vụ rất tốt nhu cầu vận hành, khai thác. Cũng từ mô hình này, hiện nay, 8/9 bến xe khách trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Sự tham gia của các nhà đầu tư đã huy động được nguồn lực cần thiết từ xã hội, giảm bớt áp lực đầu tư công trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, đặc biệt là phát huy được tối đa tính năng động trong phát triển loại hình này.
Anh Vũ Trường Giang-một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Ở đây, không có cảnh người đu bám, đeo đuổi chèo kéo khách. Bến bãi rộng rãi, khang trang, sạch đẹp và hầu hết nhà xe đều có xe trung chuyển đưa đón khách nên mặc dù lần đầu đến Pleiku nhưng tôi đã cảm nhận được sự thân thiện, yên bình”.
Phát triển theo hướng chuyên nghiệp
“Tỉnh chưa giàu nhưng xe khách đã rất… sang” là nhận xét hóm hỉnh của không ít du khách khi có dịp ghé đến Pleiku bằng dịch vụ xe khách. “Ngoài cạnh tranh bằng chất lượng phương tiện, chúng tôi đặc biệt chú trọng khâu chất lượng dịch vụ để hành khách cảm thấy thoải mái, an tâm và gắn bó với nhà xe”-ông Trương Văn Luận-Phó Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai-cho biết.
Tương tự, bà Trần Thị Ánh-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Mai Linh Gia Lai-cũng cho hay: Ngoài đầu tư nâng cấp, cập nhật các dòng xe đời mới, đưa ra yêu cầu nghiêm khắc về thái độ phục vụ, trang phục của lái xe.
“Đặc biệt, tài xế tuyệt đối không được vòng vo, kéo dài hành trình cũng như hỗ trợ giới thiệu điểm đến, các nơi cung cấp dịch vụ uy tín cho du khách. Gặp trường hợp người bị tai nạn, Công ty khuyến khích tài xế đưa đi cấp cứu và sẽ miễn phí hoàn toàn chi phí chuyến đi”-bà Ánh chia sẻ.
Đoàn viên Chi đoàn Sở Giao thông-Vận tải tình nguyện hỗ trợ hành khách làm thủ tục tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh Lê Hòa
Đoàn viên Chi đoàn Sở Giao thông-Vận tải tình nguyện hỗ trợ hành khách làm thủ tục tại Bến xe Đức Long Gia Lai. Ảnh: Lê Hòa
Theo thống kê của Sở Giao thông-Vận tải, toàn tỉnh hiện có trên 420 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách với 1.229 phương tiện đăng ký hoạt động (557 xe taxi, 225 xe hợp đồng, 413 phương tiện khai thác vận tải tuyến cố định, 14 xe buýt…). Trong đó, có thể kể đến những cái tên được nhiều người biết đến và tin tưởng sử dụng dịch vụ: Hồng Hải, Thuận Tiến, Đức Đạt, Mai Linh Gia Lai, Diên Hồng, Thuận Ý…
“Năm 2013, từ khi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức Giải Vô lăng vàng đến nay, năm nào Gia Lai cũng có đơn vị, cá nhân được vinh danh ở giải thưởng này. Ở cấp độ địa phương, từ năm 2016 đến nay, Sở Giao thông-Vận tải phối hợp Hiệp hội Vận tải Ô tô tỉnh phát động và duy trì thường xuyên phong trào “Doanh nghiệp vận tải an toàn” và “Lái xe an toàn” để khuyến khích các đơn vị cũng như từng cá nhân đề cao yếu tố an toàn, chuyên nghiệp. Đồng thời, Sở khuyến khích, đề cao các trường hợp tài xế có hành vi đẹp, hỗ trợ hành khách kịp thời để bảo vệ tính mạng, tài sản cho hành khách”-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải-cho biết.
 
LÊ HÒA