Giáo dục

Tin tức

Nỗ lực "níu chân" học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18-6-2021 của Ủy ban Dân tộc đã tác động trực tiếp đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với học sinh, nhất là học sinh dân tộc bán trú. Để các em yên tâm tới lớp, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng chính quyền các địa phương và các đơn vị trường học nỗ lực triển khai nhiều giải pháp thiết thực.

Nhiều học sinh không còn hưởng chế độ bán trú

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18-6-2021 của Ủy ban Dân tộc “phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”, một số xã, thôn trong tỉnh đã thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều học sinh cư trú ở những địa phương này sẽ không còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tiền ăn, ở và gạo hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ.

Bằng nhiều giải pháp thiết thực, các nhà trường quyết tâm không để học sinh bỏ học. Ảnh: Mộc Trà
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, các nhà trường quyết tâm không để học sinh bỏ học. Ảnh: Mộc Trà


Số liệu thống kê của Phòng GD-ĐT huyện Kbang, trong năm học 2021-2022, toàn huyện có 558 học sinh không còn được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar có 289 học sinh, trong đó có 150 em thuộc diện bán trú. Theo các quyết định mới, 26 học sinh ở làng Đak Kmung không còn được nhận hỗ trợ bán trú. Riêng làng Krối vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn nên 124 em được giữ nguyên chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116. Thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Trước đây, làng Đak Kmung cách trường gần 5 km, làng Krối cách trường 8-11 km nên học sinh 2 làng đủ điều kiện được hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú. Mỗi em được hưởng 596 ngàn đồng tiền ăn, 15 kg gạo và nhiều ưu tiên khác. Ngoài ra, giáo viên cũng đã trồng thêm rau, nuôi heo và kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ bữa ăn nội trú cho gần 200 học sinh. Thế nhưng, năm nay, số học sinh ở làng Đak Kmung không còn được hưởng chế độ bán trú nên nhà trường chỉ tạo điều kiện hỗ trợ bữa cơm cho các em trong những ngày học, còn ngày nghỉ thì phụ huynh đón các em về nhà.

Chị Đinh Thị Trình (làng Đak Kmung) tâm sự: “Theo thông báo của nhà trường, năm học này, con mình không còn được nhận tiền hỗ trợ ăn, ở nữa. Gia đình mình rất nghèo, chỉ trông vào gần 2 sào lúa nên không khỏi lo lắng. Thêm vào đó, chồng mình lại đi làm xa nên việc đưa đón con đi học rất khó khăn”.

Cùng tâm trạng, anh Đinh Đăm (làng Đak Pót, xã Krong) trăn trở: “Nay làng ra khỏi diện đặc biệt khó khăn rồi, Nhà nước không còn hỗ trợ tiền ăn, ở bán trú cho các con nữa. Chúng tôi chưa biết phải làm sao khi 2 con không còn được hỗ trợ ăn học”.

Hai người con của anh Đăm nằm trong danh sách 56 học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS xã Krong không được tiếp tục thụ hưởng chế độ dành cho học sinh bán trú trong năm học này. Theo Phó Hiệu trưởng Phan Danh, trên thực tế, gia đình các em còn rất khó khăn, nhà cách trung tâm xã hàng chục cây số. “Mặc dù không còn được hưởng chế độ như trước, song ngay từ đầu năm học, nhà trường tích cực vận động gia đình cho các em đến trường đầy đủ và không có em nào bỏ học. Chúng tôi cũng đã tổng hợp kiến nghị, đề xuất của phụ huynh và tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”-thầy Danh cho hay.

Tại huyện Đức Cơ, 669 học sinh cũng bị ảnh hưởng bởi Quyết định số 861/QĐ-TTg. Trong đó, 300 học sinh phổ thông không còn được thụ hưởng chế độ bán trú, 369 trẻ mầm non bị cắt hỗ trợ ăn trưa. Thầy Phạm Văn Quynh-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (xã Ia Din) chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi khi kinh tế-xã hội của xã phát triển, khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với niềm vui là nỗi lo về duy trì sĩ số vì học sinh cư trú tại các làng đặc biệt khó khăn và nhà cách xa trường 7-10 km không còn được hưởng hỗ trợ chế độ bán trú. Toàn trường có 238 em rơi vào trường hợp này. Nan giải nhất là việc đưa đón học sinh. Bởi lẽ nhà xa, đời sống còn khó khăn, nhiều phụ huynh không kham nổi việc học của con. Chúng tôi lo về lâu dài sẽ khó khăn khi huy động học sinh đến trường”.

Quyết không để học sinh bỏ học

Nhằm giúp học sinh còn khó khăn yên tâm theo đuổi giấc mơ con chữ, các trường phổ thông dân tộc bán trú đã chủ động triển khai nhiều giải pháp chủ động “gỡ khó” trong thực hiện chính sách mới.

Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ nói: “Bên cạnh tuyên truyền, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình tiếp tục đi học, nhà trường còn tích cực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ hơn 1.000 cuốn vở, sách giáo khoa và đồ dùng học tập cho học sinh. Cán bộ, giáo viên và nhân viên trong trường cũng tự nguyện ủng hộ gần 20 triệu đồng để mua ti vi phục vụ công tác dạy-học trên lớp, góp phần tạo môi trường học tập hứng thú cho các em”.

Các em học sinh ăn trưa tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú xã Đak Smar. Ảnh: Hà Phương
Bữa trưa của các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar. Ảnh: Hà Phương


Thầy Nguyễn Thế Anh-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Đak Smar-cho hay: “Nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp nhu yếu phẩm kết hợp vận động xã hội hóa để hỗ trợ chi phí học tập cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh sống ở những vùng vừa chuyển đổi từ vùng II, III lên vùng I. Cùng với đó, nhà trường tham mưu với chính quyền địa phương có kế hoạch phù hợp để “kéo” học sinh đến lớp; động viên các giáo viên cộng đồng trách nhiệm chia sẻ khó khăn với học sinh. Dù thế nào, chúng tôi cũng phải tìm mọi cách đưa học sinh đến lớp, quyết không để các em bỏ học”.

Trao đổi với P.V, ông Y Phương-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang-cho hay: “Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với các xã vận động học sinh đến lớp; rà soát các chế độ chính sách dành cho học sinh và điều kiện thực tế của từng trường nhằm chủ động nguồn kinh phí duy trì mô hình lớp học và có kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài. Động viên các thầy-cô giáo vượt qua khó khăn, yên tâm công tác trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của ngành và các cấp có thẩm quyền”.

Dự lường trước những khó khăn bước đầu khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Dân tộc có hiệu lực, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt hỗ trợ học sinh, cố gắng vận động các em ra lớp. Đồng thời, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Tài chính xác định kinh phí hỗ trợ và báo cáo UBND tỉnh đề xuất xem xét, trình HĐND tỉnh có cơ chế hỗ trợ cho đối tượng học sinh bị ảnh hưởng.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định kiến nghị: “Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ mang lại niềm vui cho nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng cũng ảnh hưởng đến chỉ tiêu huy động học sinh ra lớp của các trường; điều kiện ăn, ở, học tập của học sinh; chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành nên có chế độ, chính sách đặc thù đối với số học sinh dân tộc thiểu số cư trú ở địa bàn vừa được đưa ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp này để các em tiếp tục an tâm học tập”.

 

 HÀ PHƯƠNG - MỘC TRÀ

 

Có thể bạn quan tâm