Du lịch

Hành trang lữ hành

Nỗ lực thu hút khách du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm 21-7, giá bán lẻ mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng giá hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn neo cao sau thời gian dài giá nhiên liệu tăng liên tục, tác động đến các ngành kinh tế, trong đó có ngành du lịch đang trong giai đoạn cao điểm. Các doanh nghiệp du lịch đang đau đầu ứng phó để phục hồi du lịch, duy trì việc làm, thu nhập cho lao động sau hai năm "đóng băng".
 
Tàu du lịch nhà hàng đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long về đêm - sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lương Quang Thọ
Tàu du lịch nhà hàng đưa du khách tham quan vịnh Hạ Long và thành phố Hạ Long về đêm - sản phẩm du lịch mới của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lương Quang Thọ
Sáu tháng đầu năm 2022, số khách du lịch trong nước đạt 60,8 triệu lượt, vượt mục tiêu của cả năm 2022; tăng 1,9 lần so cùng kỳ năm 2021; tăng 1,3 lần so cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Song theo đánh giá của giới chuyên môn, những con số nêu trên có thể còn cao hơn nữa, nếu thời gian qua ngành du lịch không gặp phải "bão giá".
Chấp nhận lỗ tour để giữ khách
Sự tăng trưởng rõ nét về số khách du lịch, doanh thu từ du lịch sáu tháng đầu năm 2022 so cùng kỳ năm 2021 tại các trọng điểm du lịch trong nước cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành kinh tế này. Tổng doanh thu của ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 49.681 tỷ đồng; tăng 29,9% so cùng kỳ năm 2021. Số khách du lịch trong nước đến thành phố ước đạt 11,08 triệu lượt, tăng 43,1%. Hà Nội sáu tháng qua đón 8,61 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp ba lần so cùng kỳ năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 25,2 nghìn tỷ đồng. Cùng thời gian này, Đà Nẵng đón hơn 1,32 triệu lượt khách lưu trú; tăng 33,6% so cùng kỳ 2021, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 3.185 nghìn tỷ đồng. Tổng số khách đến Quảng Ninh đạt khoảng 5,5 triệu lượt với số thu đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, số lượt khách cũng như doanh thu du lịch đều tăng gấp đôi so cùng kỳ năm 2021.
Nhưng đúng vào thời điểm nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao thì xuất hiện đợt tăng giá các dịch vụ, hàng hóa, do ảnh hưởng việc tăng giá xăng, dầu. Những ngày gần đây, giá xăng, dầu dù đã giảm, nhưng giá các loại hàng hóa, dịch vụ vẫn neo cao do giá các sản phẩm hàng hóa đều vận hành theo cơ chế thị trường, việc tăng hay giảm giá phụ thuộc vào cung cầu.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour Nguyễn Ngọc An cho biết: "Vé máy bay các đường bay nội địa hiện vẫn giữ mức tăng khoảng 1 triệu đồng/chiều. Các dịch vụ vận chuyển đường bộ, đường sắt đều tăng giá từ 20% trở lên". Việc tăng giá này tác động tiêu cực đến xây dựng giá tour cho các doanh nghiệp. Không ít tour từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố miền trung và miền nam bằng máy bay đều tăng giá từ 1,5 đến 2 triệu đồng, khiến các hãng lữ hành rất khó xoay xở, khi đã chào bán tour với mức giá nhằm kích cầu du lịch trước đó.
Phó Giám đốc Vietravel Hanoi Phạm Văn Bảy chia sẻ: "Vietravel đã bán nhiều tour cho khách hàng du lịch đi đến các tỉnh xa. Nay chi phí vận chuyển tăng cao, để giữ uy tín, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá đã bán cho khách hàng. Với nhiều tour, chúng tôi chấp nhận hòa hoặc lỗ để bảo đảm quyền lợi của khách". Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị-Truyền thông, Lữ hành Fiditour-Vietluxtour, giá dịch vụ tour hè ở một số tuyến "nóng" có tăng nhẹ, từ 5 đến 7%. Các tuyến còn lại, phần lớn công ty lữ hành cùng các đơn vị vận chuyển, lưu trú, tham quan... cùng bàn thảo lại để giữ giá ổn định, kích cầu mùa du lịch hè vừa vào giai đoạn phục hồi.
Mặc dù giá xăng, dầu giảm, nhưng chưa "đủ sức" để kéo phần lớn các mặt hàng thực phẩm, các loại hình dịch vụ giảm giá ngay theo, nhất là dịch vụ ăn uống và lưu trú. Giá dịch vụ phụ trợ như dịch vụ giặt là tại các khách sạn vẫn cao hơn trước từ 15 đến 20%. Trong chuỗi kinh doanh du lịch, hiện nay chỉ còn các giá vé tham quan tại các điểm đến là vẫn giữ như cũ như các tour du lịch đêm ở Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò... dù đơn vị xây dựng các tour này gặp không ít khó khăn.
 
Khách du lịch tham quan giếng cổ trong Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Chí Dũng
Khách du lịch tham quan giếng cổ trong Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Chí Dũng
Tăng cường liên kết, kiểm soát chất lượng dịch vụ
Trước nhu cầu đi du lịch của người dân tăng cao sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song đang bị tác động bởi giá dịch vụ neo cao, các doanh nghiệp đang xoay xở để kìm đà tăng giá các tour. Một số doanh nghiệp chuyển sang đặt vé máy bay đi các chuyến đêm, hạ mức chi phí cho lưu trú bằng hạ "sao" của khách sạn...
Riêng Vietravel gợi ý cho khách hàng chọn thời điểm đi tour vào các ngày trong tuần, thay vì đi vào cuối tuần để giảm giá. Đại diện Công ty Lữ hành Fiditour-Vietluxtour (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ở thời điểm hiện tại, các công ty lữ hành lớn đều có kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn. Do đó, các dịch vụ ở các mùa cao điểm như hè, lễ, Tết đều được chuẩn bị trước, cho nên việc tăng giá có thể ảnh hưởng, nhưng chưa tác động lớn đến giá tour và chất lượng dịch vụ. Fiditour-Vietluxtour đang giữ được mức giá khá ổn định so với thị trường trong mùa kinh doanh hè và dự kiến sẽ có mức giá tốt hơn cho mùa thấp điểm thu đông sắp tới theo các kế hoạch đã được chuẩn bị trước.
Một trong những giải pháp để ứng phó tình trạng tăng giá dịch vụ, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng là các doanh nghiệp liên kết với nhau bán các gói du lịch gồm phòng nghỉ khách sạn kết hợp vé máy bay, phòng khách sạn kết hợp dịch vụ cho thuê ô-tô tự lái... Tại Đà Nẵng, mặc dù đã hết thời gian triển khai các gói giảm giá kích cầu (vào tháng 4 và tháng 5), nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn giảm giá phòng nghỉ với nhiều combo dịch vụ đi kèm. Từ nay đến ngày 15/8, khu du lịch Bà Nà triển khai vé combo gồm xe đưa đón, cáp treo hai chiều, vé vào các điểm tham quan và bữa tối, với mức giá 700.000 đồng/người lớn và 520.000 đồng/trẻ em.
Nội bộ các cơ sở lưu trú cũng áp dụng một số biện pháp tăng hiệu quả quản trị. Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc điều hành khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội khách sạn Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay, giá thực phẩm đầu vào vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, do chúng tôi đã ký hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị cung cấp thực phẩm đầu vào với các cam kết cụ thể, cho nên tránh được việc tăng giá cao đột biến. Việc tăng giá đều được các đơn vị thông báo ít nhất là trong một tháng để chúng tôi căn cứ, thực hiện, với mức tăng giá vừa phải để khách sạn có nguồn cung ổn định, không bị tăng giá đột ngột. Một giải pháp quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần chú trọng nghiêm ngặt quy trình bảo quản nguồn thực phẩm, tránh hư hỏng, thất thoát, lãng phí".
Trong bối cảnh hàng hóa, dịch vụ đang hình thành mức giá mới, một mặt các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn chủ động nhiều tâm thế để ổn định giá các dịch vụ, mặt khác thì không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ tốt hơn, thu hút thêm nhiều khách du lịch. Đầu hè năm 2022, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã ra mắt các sản phẩm du lịch mới như Phố đêm du thuyền với khoảng 30 tàu tổ chức dịch vụ ăn uống trên vịnh Hạ Long, Câu lạc bộ Du thuyền trên biển, duy trì dịch vụ bay trực thăng, thủy phi cơ ngắm vịnh Hạ Long mang lại trải nghiệm mới lạ cho du khách.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa vào dịch vụ tàu nhà hàng sang trọng với các dịch vụ nâng cao, trở thành sản phẩm được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Đại diện Công ty TNHH Du thuyền Bhaya cho biết: Trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu của khách du lịch, công ty xây dựng tour tham quan, thực đơn phù hợp cho từng đoàn khách, qua đó quảng bá, đưa các đặc sản vùng miền của Quảng Ninh đến với du khách.
Cùng với đó, chính quyền và các cơ quan nhà nước tăng cường quản lý để tránh tình trạng "chặt chém" du khách trong mùa cao điểm du lịch.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Thành phố thực hiện nhiều biện pháp siết chặt quản lý môi trường kinh doanh du lịch, như duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thành phố trong tăng cường quản lý các dịch vụ du lịch; đồng thời chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra chặt chẽ các khu, điểm du lịch vào ngày cao điểm trong tuần. Khi có những phản ánh của du khách vào đường dây nóng, các cơ quan chức năng của thành phố nhanh chóng kiểm tra thông tin, xử lý ngay, khi xử lý xong thì công khai trên phương tiện truyền thông, mạng xã hội, vừa để du khách nắm bắt thông tin, vừa để cảnh báo các cơ sở dịch vụ du lịch đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường chung. Ngoài ra, thành phố cũng áp dụng chế tài xử phạt nghiêm để các cơ sở có trách nhiệm bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch.
Theo NHÓM PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm