Pháp luật

Tin tức

'Nở rộ' lừa đảo việc làm thời vụ dịp tết  

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đánh trúng tâm lý nhiều người có nhu cầu tìm việc làm thêm dịp tết, các đối tượng lừa đảo đã đưa ra chiêu quảng cáo công việc nhẹ nhàng, lương cao, hấp dẫn… để “bẫy” người lao động.

Mất cả tỉ đồng vì tìm việc online

Cuối tháng 12.2022, tình cờ lướt mạng xã hội, Tạ Đức Kiên, học sinh Trường trung cấp Xây dựng Hà Nội, đọc được thông tin quảng cáo cần tuyển người gấp bao lì xì tại nhà.


 

Cuối tháng 12.2022, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo về tình trạng lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Hằng
Cuối tháng 12.2022, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo về tình trạng lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên mạng xã hội. Ảnh: Thu Hằng



Muốn tranh thủ vừa học, vừa làm thêm lấy tiền tiêu vặt dịp tết, Kiên đã kết bạn Zalo theo số điện thoại quảng cáo để tìm việc. “Người tuyển dụng nói không cần kinh nghiệm, nếu chăm chỉ làm cũng kiếm được từ 200.000 - 400.000 đồng/ngày. Mình tính nhẩm lương tính theo sản phẩm, từ 500 - 1.000 đồng/sản phẩm, 1 tháng làm thêm cũng kiếm được khoảng 10 triệu đồng nên đã đồng ý làm ngay”, Kiên chia sẻ.

Người tuyển dụng yêu cầu Kiên phải chuyển khoản 500.000 đồng tiền mua nguyên liệu ban đầu. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền thì số điện thoại quảng cáo lập tức chặn cuộc gọi khiến Kiên không liên lạc được. Tất cả thông tin trên Zalo đều bị xóa dấu vết.

Từ nhiều ngày nay, trên các nhóm tìm việc online, tìm việc làm thêm Hà Nội, cộng tác viên chốt đơn làm việc online…, những thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm mùa tết liên tục được đăng tải như: tuyển người bình luận sản phẩm, đánh máy đề cương… Mức lương từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Đối tượng tuyển dụng được nhắm đến là các mẹ bỉm sữa, học sinh, sinh viên…

Đáng chú ý, chiêu thức được các đối tượng đưa ra quảng cáo đều là những lời mời “có cánh”, hấp dẫn giới trẻ như: “Tuyển cộng tác viên tại nhà, làm việc qua ứng dụng TikTok”; “Xem video - like - thả tim, hoa hồng đến vài trăm nghìn đồng/ngày”; “Tuyển người “cày” view TikTok, xem và chụp ảnh, cứ 1 ảnh nhận 10.000 đồng”; “Cắt mác quần áo, dán bao lì xì, hộp quà tặng… lương 7 - 10 triệu đồng/tháng”… Ẩn sau các chiêu trò, các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người lao động để chiếm đoạt tài sản.

Cũng vì muốn tìm việc làm online để đỡ đần cho chồng, chị T.H, một bà mẹ bỉm sữa quê ở Thái Bình nhận làm cộng tác viên chốt đơn hàng quần áo, mỹ phẩm, gia dụng cho một sàn thương mại điện tử.

Chị T.H kể: “Công việc của mình được mô tả rất đơn giản, có thể làm việc tại nhà qua máy tính hoặc điện thoại. Mỗi đơn hàng chốt thành công, mình nhận được 15 - 30% hoa hồng giá trị hợp đồng. Cuối ngày, lương sẽ chuyển vào tài khoản. Hoàn thành 3 đơn hàng đầu tiên mình sẽ vượt qua vòng thử việc, 7 đơn hàng tiếp theo sẽ được nhận lương cơ bản. Ngày đầu tiên, sau khi hoàn thành, mình đã được nhận hơn 1 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra”.

Vì lợi nhuận, chị T.H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo dẫn dắt, nạp thêm tiền để hoàn thành các đơn hàng tiếp theo. “Theo giải thích của người tự xưng là nhân viên sàn thương mại điện tử, nếu mình nạp thêm tiền vào đủ để hoàn thành đơn hàng, cuối ngày sẽ rút được tiền vốn và hoa hồng về. Không hiểu sao mình như bị che mờ mắt, cứ thế làm theo hướng dẫn và khi nạp số tiền lên đến 100 triệu đồng, mình không thể liên lạc được với họ”.

Trước đó, Công an Q.Long Biên (Hà Nội) đã nhận được đơn trình báo của chị T.(39 tuổi) tố cáo bị lừa đảo, chiếm đoạt 1,2 tỉ đồng với thủ đoạn tương tự. Thấy quảng cáo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng online trên Facebook, chị T. đã tham gia. Khi làm nhiệm vụ thanh toán 4 đơn hàng đầu, chị T. nhận được số tiền 900.000 đồng. Tuy nhiên, từ nhiệm vụ lần thứ 5 đến lần thứ 10, chị T. đã chuyển 1,2 tỉ đồng nhưng không nhận được tiền.


Không thể có “việc nhẹ, lương cao”

Trước những thông tin quảng cáo việc làm online trên mạng TikTok, Zalo, Facebook…, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết năm nay kinh tế khó khăn, nhu cầu tìm việc làm thêm mùa tết gia tăng hơn.

“Thông thường, các thông tin tuyển dụng lừa đảo không thông tin rõ ràng về địa chỉ nơi tuyển dụng mà chỉ có số điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội. Hầu hết các thông tin tuyển dụng trên mạng phải đóng tiền, hoặc yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động đều là lừa đảo. Ngồi một chỗ kiếm “việc nhẹ, lương cao” không bao giờ có. Người lao động cần cảnh giác, đặc biệt vào thời điểm gần tết”, ông Thành nhấn mạnh.

Hiện nay, tất cả thông tin đều mở. “Muốn tìm việc làm thêm, người lao động cần tìm hiểu kỹ về nhà tuyển dụng, vị trí việc làm, các yêu cầu xung quanh vị trí việc làm, chế độ, quyền lợi, cách thức ký hợp đồng, chi trả lương… Tất cả điều khoản đưa ra phải đảm bảo theo đúng luật Lao động”, ông Thành khuyến cáo.

Vị này cũng lưu ý thêm: “Nếu chưa đủ thông tin, tự tin tìm việc trên mạng, người lao động có thể đến các sàn giao dịch việc làm. Chúng tôi sẽ tư vấn đầy đủ nhất chế độ quyền lợi, việc làm cũng như hỗ trợ người lao động khi tiếp cận, tham gia thị trường lao động”.

 

Theo Thu Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm