Sống trẻ - Sống đẹp

Hoạt động Đoàn - Hội - Đội

“Nói không với lao động trẻ em trong ngành cà phê”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm hạn chế sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê Việt Nam, Công ty cổ phần TMT Consulting (tỉnh Đak Lak) phối hợp Huyện Đoàn Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) thành lập 17 Câu lạc bộ (CLB) “Sân chơi cho em” tại các xã: Đak Krong, A Dơk, Glar.

Mới đây, hơn 100 trẻ em của 5 CLB “Sân chơi cho em” xã Đak Krong cùng nhau tham gia hoạt động ngoại khóa do Công ty cổ phần TMT Consulting tổ chức. Trong phần thi trắc nghiệm với chủ đề “Chúng em tìm hiểu Luật Trẻ em và ngành hàng cà phê”, các em đã tự tin trả lời câu hỏi do Ban tổ chức đưa ra.

Em Nguyễn Phạm Hải Đăng (lớp 4A, Trường Tiểu học Đak Krong) chia sẻ: “Những câu hỏi tại chương trình rất bổ ích. Mặc dù có một số câu em trả lời chưa đúng, nhưng qua phần thi này, em hiểu thêm về Luật Trẻ em và ngành hàng cà phê”.

Hoạt động vẽ tranh thu hút nhiều thành viên các CLB “Sân chơi cho em” tham gia. Ảnh: M.N

Hoạt động vẽ tranh thu hút nhiều thành viên các CLB “Sân chơi cho em” tham gia. Ảnh: M.N

Ngoài phần thi trắc nghiệm, các em thiếu nhi còn được đọc sách ở Thư viện Mùa xuân, học kỹ năng dẫn chương trình và tham gia các trò chơi hoạt náo. Qua từng hoạt động, Ban tổ chức tìm hiểu năng khiếu của từng em để tiếp tục bồi dưỡng. Không những thế, tất cả các em tham gia chương trình đều được nhận những phần quà ý nghĩa từ Ban tổ chức.

Ngoài trẻ em, chương trình còn nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hưng (làng Đê Hoch, xã Đak Krong) cho hay: “Trẻ em ở làng thường thiếu sân chơi. Các hoạt động trong chương trình rất hay và bổ ích. Thông qua sân chơi này, không chỉ con cái mà bản thân tôi cũng hiểu biết thêm về Luật Trẻ em và ngành hàng cà phê”.

Huyện Đak Đoa có 17 CLB “Sân chơi cho em”. Mỗi CLB có 25-30 thành viên trong độ tuổi 9-15 là con em của các hộ dân trồng cà phê. Các CLB này được thành lập từ tháng 10-2022 đến nay, duy trì mỗi tháng sinh hoạt 1 lần. Trong quá trình sinh hoạt, các chuyên gia của Công ty cổ phần TMT Consulting hướng dẫn, hỗ trợ CLB công tác tổ chức, kinh phí hoạt động; sau đó bàn giao lại cho Ban chủ nhiệm CLB duy trì hoạt động lâu dài.

“Sân chơi cho em” là dự án nhằm hạn chế lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng cà phê với thông điệp “Nói không với lao động trẻ em trong ngành cà phê” do Công ty cổ phần TMT Consulting triển khai thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai. Nội dung sinh hoạt của CLB gồm: thực hiện các hoạt động ngoại khóa, thi tìm hiểu về Luật Trẻ em, vẽ tranh trên túi vải để bán gây quỹ hoạt động của CLB và các hoạt động liên quan đến nông nghiệp phù hợp.

Chị Đặng Thị Kiều Linh-Bí thư Đoàn xã A Dơk-thông tin: “Các em tham gia CLB trên tinh thần tự nguyện. Tất cả đều rất háo hức, tự tin tham gia sinh hoạt. Từ CLB này, nhiều hạt nhân tích cực đã được phát hiện, góp phần phát triển công tác Đoàn-Hội tại địa phương”.

Trẻ em trong CLB đọc sách tại Thư viện Mùa Xuân. Ảnh: Minh Nhật

Trẻ em trong CLB đọc sách tại Thư viện Mùa Xuân. Ảnh: Minh Nhật

Các CLB duy trì sinh hoạt thường xuyên nhằm tạo điều kiện để trẻ em là con em nông dân trồng cà phê có những trải nghiệm mới mẻ, bổ ích, nâng cao sự tự tin, tính chủ động trong các hoạt động xã hội và kỹ năng sống cần thiết. Anh Nguyễn Kim Quân-Phó Bí thư Huyện Đoàn Đak Đoa-cho hay: “Các CLB đã tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi lành mạnh, bổ ích, bảo vệ các em quyền tham gia những công việc phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe. Các CLB được Công ty cổ phần TMT Consulting hướng dẫn quy trình và hỗ trợ kinh phí hoạt động. Huyện Đoàn tiếp tục đồng hành để CLB hoạt động thường xuyên và chỉ đạo các Đoàn xã vận động thêm nhiều trẻ em tham gia CLB”.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Tâm-Giám đốc Công ty cổ phần TMT Consulting-cho biết: Hiện nay, nhiều trẻ em ở vùng trồng cà phê vẫn còn tham gia những công việc không phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe. Từ thực tế đó, Công ty phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, Huyện Đoàn Đak Đoa và một số đơn vị liên quan thành lập các CLB “Sân chơi cho em”, góp phần giúp trẻ em và phụ huynh nâng cao kiến thức, hạn chế những công việc không phù hợp, giúp trẻ biết bảo vệ và có thời gian phát triển bản thân.

“Ngoài các CLB này, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động khác như: hội thảo và tập huấn cho nông dân; đào tạo nghề cho thanh-thiếu niên người dân tộc thiểu số; tặng gà giống cho trẻ em để tập kinh doanh… tại một số xã trên địa bàn huyện Đak Đoa. Mục tiêu của chuỗi hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho nông dân và trẻ em, hạn chế việc sử dụng lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê và nâng cao giá trị của cà phê đến với người tiêu dùng”-ông Tâm cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm