(GLO)- Trong những tháng gần đây, thị trường cao su nguyên liệu (mủ cao su sơ chế) kể cả trong nước và quốc tế biến động mạnh. Nếu như những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, giá cao su nguyên liệu dao động ở mức trên, dưới 90 triệu đồng/tấn thì hiện tại chỉ còn trên 50 triệu đồng/tấn, giảm gần một nửa gây bất lợi cho các doanh nghiệp trồng, chế biến, kinh doanh cao su nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên đây lại chưa phải là nỗi lo hàng đầu.
Giá: Chưa đáng lo ngại
Thông thường trước đây, giá dầu thô tăng thì giá cao su nguyên liệu cũng tăng theo tỷ lệ thuận, nhưng từ đầu năm đến nay có những thời điểm, giá dầu thô tăng, nhưng giá cao su nguyên liệu giảm và giảm rất nhiều. Đây là thời kỳ chưa có tiền lệ khi hai loại hàng hóa này có tỷ lệ nghịch về giá trên thị trường thế giới. Lý giải vấn đề này, nhiều nhà kinh tế trong lĩnh vực kinh doanh cao su nguyên liệu đưa ra lý do duy nhất không hoàn toàn thuyết phục, nhưng được chấp nhận, đó là cao su không phải là nguyên liệu, sản phẩm thiết yếu trong lúc nền kinh tế thế giới suy thoái nên bị giảm giá.
Nếu nhìn vào thực tế, chỉ trong vòng nửa năm, giá cao su nguyên liệu tụt giảm một nửa, ai cũng lo lắng nhưng như phân tích của Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-ông Phan Sỹ Bình thì với giá này chưa phải là điều lo lắng nhất. Ông đưa ra ví dụ: giá bán bình quân mủ cao su sơ chế năm 2007 là 33,2 triệu đồng/tấn, năm 2008 là 37 triệu đồng/tấn, năm 2009 là 34,5 triệu đồng/tấn, năm 2010 là 63,1 triệu đồng/tấn, năm 2011 là 92,2 triệu đồng/tấn.
Riêng năm nay, bình quân giá bán của 7 tháng là 67,7 triệu đồng/tấn và dự kiến từ nay đến cuối năm, giá bán bình quân là 50 triệu đồng/tấn (giá mủ cao su đang có xu hướng nhích dần lên) thì bình quân cả năm, giá vẫn đạt 60 triệu đồng/tấn, tương đương mức giá của năm 2010-một mức giá khá tốt. Nếu nhìn vào mức giá này của các năm thì thực sự giá mủ cao su hiện nay chưa thực sự đáng lo ngại.
Liệu có bán được sản phẩm?
Đây là câu hỏi và nỗi lo hiện tại của hầu hết các doanh nghiệp cao su ở Tây Nguyên bởi thị trường đang bị thu hẹp và có những diễn biến khác. Riêng Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, trong thời điểm giá mủ cao su tăng cao và thị trường thuận lợi, vẫn đi tìm thị trường mới là Mỹ và Brazil… mà không phụ thuộc vào thị trường truyền thống là Trung Quốc.
Hiện nay Trung Quốc đã siết chặt mậu biên, các sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam nói chung và mủ cao su nói riêng hầu như không thể đi bằng con đường tiểu ngạch như trước đây. Và Trung Quốc áp dụng mức thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu sở tại đối với sản phẩm mủ cao su từ Việt Nam sang với mức thuế là 20%, do đó cũng là khó khăn đối với doanh nghiệp hai nước khi nhu cầu tiêu thụ đang giảm mà giá lại tăng vì chính sách thuế. Việt Nam cũng áp dụng mức thuế đối với doanh nghiệp trong nước xuất khẩu mủ cao su ra thị trường thế giới với mức 3% cũng thêm phần khó khăn, giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước Thái Lan, Malaysia… cùng xuất khẩu sản phẩm này, chí ít là ở thời điểm hiện tại.
Mủ cao su là sản phẩm đặc thù vì chủ yếu để xuất khẩu, mức tiêu thụ trong nước chỉ chiếm một phần nhỏ so với khả năng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và mặt khác thị trường tiêu thụ đang gặp phải những khó khăn nhất định, trong khi Nhà nước không linh hoạt bỏ khoản thuế xuất khẩu 3% trong lúc này thì nguy cơ tồn đọng sản phẩm với khối lượng lớn là có thể.
Hoàng Anh Phượng