Kinh tế

Nỗi lo tăng giá dịp cuối năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc tăng giá gas và xăng, nhiều mặt hàng thực phẩm và đồ uống cũng liên tục biến động về giá theo chiều hướng tăng. Đó là diễn biến mới nhất trên thị trường giá cả hiện nay.

Còn gần 2 tháng nữa mới hết năm 2016 và sau đó là Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng nỗi lo giá cả gia tăng, nhất là những mặt hàng thiết yếu đã hiện rõ. Ngày 1-11, giá gas tăng thêm 19.000 đồng/bình 12 kg. Ngay sau đó, giá xăng tiếp tục tăng lần thứ 5 kể từ ngày 4-11. Tuy mức tăng chỉ 47 đồng/lít đối với xăng RON 92 và 43 đồng/lít đối với xăng sinh học (E5) nhưng nếu cứ tiếp tục đà tăng này thì đây là cái “cớ” khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá theo. Trong đó, đáng lưu ý nhất là giá cước vận tải, bởi từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng 11 lần với tổng mức tăng gần 5.000 đồng/lít-cao hơn 600 đồng/lít so với 8 lần giảm trong năm (tổng mức giảm là 4.400 đồng/lít). Dầu diesel không tăng giá vào dịp này nhưng vẫn giữ ở mức 13.023 đồng/lít.

 

Hàng hóa bắt đầu tăng giá dịp cuối năm. Ảnh: L.L
Hàng hóa bắt đầu tăng giá dịp cuối năm. Ảnh: L.L

Lo lắng vì vật giá leo thang, chị Lê Thị Thu Hằng (hẻm 11 đường Lý Tự Trọng, TP. Pleiku) than thở: “Lương công chức mới ra trường chẳng bao nhiêu, cuối tháng lo đủ thứ từ tiền nhà trọ, điện nước, bây giờ giá gas và xăng đều lên, mình rất mệt mỏi. Sợ nhất là dịp cuối năm cái gì cũng đắt đỏ”. Không chỉ người tiêu dùng, các doanh nghiệp vận tải cũng đứng ngồi không yên. Theo ông Trương Văn Luận-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du lịch Thuận Tiến Gia Lai, giá xăng dầu liên tục dao động cũng gây khó cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể thường xuyên điều chỉnh giá cước vận tải theo giá xăng dầu. Chưa kể phí đường bộ quá cao khiến doanh nghiệp khá chật vật để cân đối chi phí.
 

Yêu cầu giữ và giảm giá các mặt hàng thiết yếu là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp tháng 10-2016. Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp không được tăng giá điện, giá dịch vụ y tế trong 2 tháng còn lại của năm… Đây là những động thái quyết liệt nhằm kiểm soát lạm phát với mục tiêu lạm phát cả năm dưới 5%.

Một trong những mặt hàng được xem là bán chạy nhất vào dịp cuối năm là bia và nước giải khát hiện cũng đã bắt đầu tăng giá. Theo khảo sát thị trường, hiện giá bia lon 333 và bia Tiger tăng mỗi thùng 5.000 đồng, bia Heineken tăng 2.000 đồng/thùng. Cụ thể, bia lon 333 đã tăng từ 215.000 đồng lên 220.000 đồng/thùng; bia Tiger tăng từ 290.000 đồng lên 295.000 đồng/thùng và bia Heiniken tăng từ 360.000 đồng lên 362.000 đồng/thùng. Các loại nước giải khát cũng tăng từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng/thùng. Tuy nhiên, theo một số chủ tiệm tạp hóa ở TP. Pleiku, giá bia năm nay tăng khá sớm nên ít người kịp trữ. Hơn nữa, việc trữ bia đòi hỏi vốn nhiều mà rủi ro cao nên chủ yếu các đại lý lớn, có mặt bằng mới dám trữ nhiều. “Hiện tại, các mặt hàng bánh kẹo, bia, nước ngọt đã được chuẩn bị khá dồi dào. Ngoài giá bia tăng thì hầu hết các mặt hàng bánh kẹo vẫn giữ ổn định”-chị Võ Thị Cẩm Thủy-Chủ doanh nghiệp tư nhân Cẩm Thủy Gia Lai (292 Phạm Văn Đồng, TP. Pleiku) chuyên kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống… cho biết.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP. Pleiku cũng rục rịch tăng giá, nhất là sau đợt lũ lụt vừa qua. Tại Trung tâm Thương mại Pleiku, giá đậu cô ve tăng từ 18.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 20.000 đồng lên 23.000 đồng/kg, đậu bắp 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg… “Giá rau củ tăng nhưng chẳng có để bán, nhất là các loại như bắp cải, bí đao, đậu bắp…”-bà Cảnh-một tiểu thương buôn bán rau cho biết. Tương tự, nguồn cung một số loại cá biển hiện đang khan hiếm và giá cả cũng dao động đáng kể.

Dã Quỳ

Có thể bạn quan tâm