Kinh tế

Tài chính

Nỗi lo "tiền rẻ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian gần đây, dòng tiền ồ ạt chảy vào các thị trường chứng khoán (TTCK), vàng, bất động sản. Giới đầu tư gọi hiện tượng này là “tiền rẻ”, nhưng cũng dấy nên sự lo lắng lạm phát cho nền kinh tế.

 Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: HUY PHAN
Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: Huy Pan



Cơn “mưa tiền” trên sàn chứng khoán

“Nhà đầu tư F0”, cụm từ chỉ những người mới bước vào TTCK, đã tăng trưởng ào ạt. Họ đua nhau mở tài khoản mới, “bơm” tiền, làm bùng nổ thị trường. Anh Nguyễn Huỳnh (ngụ quận 7) là một trong những trường hợp như vậy.

Quản lý một trường dạy nghề quốc tế tại TPHCM, trong thời gian giãn cách, do bạn bè rủ rê nên đầu tháng 8-2021, anh mở tài khoản, bắt đầu “chơi” chứng khoán. Rút một tỷ đồng từ tiền gửi tiết kiệm, anh Huỳnh tập trung đầu tư vào những cổ phiếu nhỏ (penny), dưới mệnh giá. Không chỉ nhà đầu tư F0, mà những người tham gia thị trường lâu năm cũng chuyển hướng đầu tư vào cổ phiếu nhỏ.

Chị Phương Doanh (ngụ quận Tân Bình, thâm niên hơn 10 năm trên TTCK) trước đây chỉ đầu tư vào các cổ phiếu doanh nghiệp tên tuổi, kinh doanh tốt. Nhưng trong những “đợt sóng” vừa qua, chị đã “thức thời” chọn cổ phiếu nhỏ, chiếm 70% tổng danh mục đầu tư.

Những trường hợp nêu trên phần nào phản ánh bức tranh TTCK trong thời gian gần đây. Qua phân tích, thanh khoản bình quân trong 10 tháng đầu năm 2021 trên TTCK đã tăng gấp 3 lần so với năm 2020, ở mức gần 20.000 tỷ đồng/phiên.

Đặc biệt, thị trường đã xuất hiện những phiên giao dịch rất lớn, như phiên ngày 19-11 lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường lên đến hơn 56.000 tỷ đồng. Riêng trong 3 tuần giao dịch của tháng 11, cơn “mưa tiền” trên TTCK đã khiến VN-Index liên tục phá các đỉnh lịch sử (tăng gần 34% so với đầu năm 2021).

Điều đáng nói, dòng tiền này chủ yếu đổ vào các mã cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mang tính đầu cơ. Thống kê trong tuần giao dịch từ ngày 15 đến ngày 19-11 cho thấy, thị giá nhiều cổ phiếu nhỏ tăng mạnh, thậm chí lên tới hơn 60% như SD7 tăng 61,7% chỉ trong 1 tuần; các cổ phiếu khác như LG9, LIC, PTO, SD7, SD3, KCE, VTS, QCC… tăng trên 40%.

Cơn mưa “tiền rẻ” trên TTCK đã chảy vào nhóm cổ phiếu này, kéo TTCK liên tục vượt đỉnh thời gian qua, trong khi trước đây, để VN-Index tăng điểm, thị trường cần các cổ phiếu trụ, có vốn hóa lớn để dẫn dắt.

Rủi ro bong bóng tài sản

Nhận diện dòng tiền chảy vào TTCK, nhiều công ty chứng khoán xác nhận, không ít nhà đầu tư F0 cũng là “cá mập” vì đổ vốn đầu tư rất nhiều, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Nguồn vốn đó thay vì để trong ngân hàng dự kiến phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng do lãi suất thấp nên nhà đầu tư chuyển sang đầu tư chứng khoán để tìm kiếm mức sinh lời cao hơn.

Thậm chí, hiện lãi suất cho vay mua nhà khá tốt nên không ít nhà đầu tư vay ngân hàng để mua nhà, đất với hạn mức “mút khung” rồi lấy tiền đó đổ vào chứng khoán. Nguồn tiền trên TTCK tăng vọt còn đến từ dư nợ cho vay của các công ty chứng khoán. Thống kê cho thấy, tính đến hết quý 3-2021, có đến 60 công ty chứng khoán hàng đầu có dư nợ cho vay đạt gần 154.000 tỷ đồng, cao kỷ lục trên TTCK Việt Nam.

 

 Lãi suất tiết kiệm thấp nên nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn. Ảnh: HUY PHAN
Lãi suất tiết kiệm thấp nên nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán để tìm kiếm cơ hội sinh lời tốt hơn. Ảnh: Huy Phan


Rõ ràng, dòng “tiền rẻ” đã làm TTCK bùng nổ bất chấp dịch bệnh. Các chuyên gia trong ngành phân tích, TTCK phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư. Sau khi các tỉnh, thành đã trở lại giai đoạn “bình thường mới”, cùng với thông tin Bộ Tài chính đang thiết kế gói hỗ trợ lãi suất từ 20.000-40.000 tỷ đồng để kích cầu nền kinh tế, khiến nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn, từ đó lao vào mua cổ phiếu với kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Tuy nhiên, với nền kinh tế mở và chịu tác động nhiều từ giá hàng hóa thế giới như Việt Nam thì áp lực lạm phát giai đoạn tới rất hiện hữu. Nếu các gói kích thích kinh tế được tung ra thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến việc tín dụng đổ dồn vào chứng khoán, bất động sản, dễ sinh ra bong bóng tài sản.

Về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, gói hỗ trợ cấp bù lãi suất là cần thiết nhưng cách thức triển khai, giám sát để đảm bảo đúng đối tượng là cực kỳ quan trọng, tránh việc các doanh nghiệp lợi dụng khe hở để trục lợi chính sách.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia, rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, gói cấp bù lãi suất lần này phải đi vào trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước nên kết hợp các ngân hàng thương mại và hiệp hội để xác định cụ thể đối tượng, dư nợ được hưởng.

Nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề xuất Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp được cấp bù lãi suất, vì bộ này hiểu rõ nhất “sức khỏe” của doanh nghiệp!

* Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Hỗ trợ lãi suất nhưng phòng ngừa lạm phát


Năm 2021, mức kiểm soát lạm phát dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra có thể đạt được. Sang năm 2022, rủi ro lạm phát rất lớn nên áp lực điều hành chính sách tiền tệ sẽ rất căng thẳng, trong khi nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền từ ngân sách.

Do đó, nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống. Đây cũng chính là một trong những bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước đây khi tăng trưởng tín dụng cao. Khi thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất, nếu không tính toán cẩn thận dễ dẫn đến rủi ro, lạm phát quay trở lại.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở vẫn phải đảm bảo các ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát trong thời gian tới.

Theo NHUNG NGUYỄN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm