(GLO)- Thầm lặng, ít người biết đến nhưng cán bộ, viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh (tòa nhà Liên cơ quan, 17 Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn luôn nhiệt huyết với công việc, để phát huy giá trị nguồn tài liệu đang được bảo quản và lưu trữ tại đây.
Đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, tra cứu tài liệu
Bà Trịnh Thị Thu Hương-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh-cho biết: Trung tâm là đơn vị trực thuộc Sở Nội vụ với chức năng trực tiếp quản lý tài liệu lưu trữ lịch sử; tổ chức thu thập, chỉnh lý, bảo quản, khai thác, sử dụng tài liệu và thực hiện các hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật. “Viên chức tại Trung tâm lúc nào cũng cần mẫn bên hồ sơ, tài liệu tuy đã cũ nhưng vô cùng giá trị. Họ như những chú ong chăm chỉ, lặng lẽ mang mật cho đời”-bà Hương so sánh.
Hiện Trung tâm đang lưu trữ 278 phông (tên các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khối chính quyền thuộc nguồn nộp lưu) với tổng cộng 133.638 hồ sơ, tài liệu. Tất cả đều được lưu trữ vĩnh viễn. Tài liệu xưa nhất là từ năm 1963; tài liệu quý nhất chủ yếu là các quyết định, chỉ thị nêu bật chủ trương, chính sách của Gia Lai từ năm 1975 trở lại đây. Lần theo các tài liệu này, ta sẽ có cái nhìn đầy đủ, khái quát về quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gần nửa thế kỷ qua.
Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh hiện đang bảo quản, lưu trữ vĩnh viễn tổng cộng 133.638 hồ sơ, tài liệu. Ảnh: Phương Duyên |
Để hoàn thành luận văn thạc sĩ với đề tài “Quan hệ ngoại giao giữa tỉnh Gia Lai (Việt Nam) với tỉnh Ratanakiri (Campuchia) giai đoạn 1975-2018”, chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh-phải nhiều lần đến Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh để tìm kiếm tài liệu. Chị nhận xét: “Đây là nguồn tư liệu quý, đầy đủ, được hệ thống hóa nên rất hữu ích cho công tác nghiên cứu lịch sử ngành, địa phương, đơn vị. Các anh chị tại Trung tâm rất tận tình, chu đáo, tạo sự thoải mái cho người tra cứu và mượn tài liệu”. Khi tham gia làm lịch sử ngành Văn hóa và ngành Tài chính tỉnh, chị An cũng tìm thấy ở Trung tâm khá nhiều tài liệu quý hiếm.
Bà Nguyễn Thị Hải (25/13 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku) khá bất ngờ khi được hướng dẫn đến Trung tâm để tìm kiếm hồ sơ gốc giấy tờ nhà đất của gia đình từ năm 1995. “Nhờ các cháu nhân viên ở đây tiếp đón, hướng dẫn nhiệt tình nên tôi đã tìm được hồ sơ. Tuy số lượng hồ sơ, tài liệu nhiều nhưng được sắp xếp ngăn nắp, khoa học nên việc tìm kiếm rất thuận lợi”.
“Mong phát huy tốt nhất giá trị của tài liệu”
Đó là mong mỏi của cán bộ, viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh khi nói về công việc hiện tại. Chị Hoàng Thị Phương Hảo-viên chức tại Trung tâm-cho hay: “Đây là công việc thầm lặng nhưng mang ý nghĩa to lớn. Chúng tôi vui vì được phục vụ, nhất là những người đến tìm hồ sơ, giấy tờ liên quan để làm chế độ chính sách. Nhiều khi vui theo niềm vui của họ, buồn theo nỗi buồn của họ”.
Để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao, theo bà Hương, Trung tâm thực hiện thí điểm đề án số hóa tài liệu giai đoạn 2017-2021, trong đó ưu tiên những tài liệu quan trọng, có nguy cơ xuống cấp, hư hại. Hiện đơn vị đã số hóa hoàn chỉnh tài liệu của UBND tỉnh Gia Lai từ năm 1976 đến 1996. Do khối lượng rất nhiều nên phải có thời gian mới có thể đảm bảo số hóa lần lượt theo lộ trình.
Kiểm tra hồ sơ, chỉnh lý tài liệu là công việc hàng ngày của các viên chức Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: Phương Duyên |
Một trong những kế hoạch của Trung tâm là xây dựng trang web để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tra cứu hồ sơ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. “Khi thực hiện số hóa được khoảng 2/3 tổng số tài liệu trong kho thì chúng tôi sẽ cập nhật, tổ chức cung cấp dịch vụ trên hệ thống”-bà Hương nói. Ngoài ra, với những tài liệu quý hiếm về lịch sử hình thành của tỉnh hiện đang được lưu trữ tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm có kế hoạch sưu tầm, thu thập để bảo quản, phục vụ việc khai thác.
Mới đây, Trung tâm phối hợp với Bảo tàng tỉnh trưng bày 155 bộ hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tỉnh Gia Lai. Đây là số cán bộ của tỉnh tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève năm 1954, sau đó bí mật trở vào miền Nam công tác do yêu cầu của cách mạng (từ năm 1959 đến 1975).
Theo quy định, những cán bộ lên đường vào miền Nam chiến đấu chỉ được mang theo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân do Ủy ban Thống nhất Chính phủ cấp phát. Tất cả tư trang hành lý, tài sản cá nhân, kỷ vật đều phải gửi lại (gọi chung là hồ sơ cán bộ đi B). Những tài liệu quan trọng này là cơ sở để giải quyết chế độ, chính sách cho người hoạt động cách mạng, thương-bệnh binh, liệt sĩ, người tham gia kháng chiến.
Do vậy, cán bộ Trung tâm mong mỏi giúp thân nhân của các cán bộ này nhận lại kỷ vật của người thân. “Trong 155 hồ sơ được trưng bày lần này có 40 hồ sơ đã xác định được thân nhân. Chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức buổi lễ trang trọng để trao trả hồ sơ, kỷ vật cho gia đình cán bộ đi B. Đây là sự ghi ơn đối với những người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc”-bà Hương chia sẻ.
PHƯƠNG DUYÊN