Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 1.000 tranh ảnh, hiện vật đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh là bằng ấy câu chuyện ý nghĩa về chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành cũng như những trang sử vẻ vang của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong tỉnh.
 

Trung úy Trần Văn Hân giới thiệu các mô hình, hiện vật cho các em học sinh. Ảnh: A.H


Đưa chúng tôi đi tham quan một vòng quanh Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh, Trung úy Trần Văn Hân-nhân viên Nhà truyền thống giới thiệu: Hiện Nhà truyền thống có trên 1.000 tranh ảnh, hiện vật tái hiện xuyên suốt quá trình lịch sử từ cuộc kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ của quân-dân cả nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh các tranh ảnh, hiện vật còn có các sa bàn mô tả diễn biến các trận đánh lớn của quân và dân trong tỉnh, như: Trận đánh đầu tiên và giành chiến thắng vẻ vang tại địa bàn huyện Đak Pơ; trận đánh bại Binh đoàn cơ động 100 của quân viễn chinh Pháp… Ấn tượng với chúng tôi là sa bàn diễn biến chiến dịch Plei Me (năm 1965). Trong chiến dịch này, quân ta đã dự báo đúng đối tượng tác chiến, chọn cách đánh phù hợp và đánh thắng Sư đoàn Kỵ binh Không vận số 1 của Mỹ tại thung lũng Ia Drăng (huyện Chư Prông). Chiến thắng Plei Me không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, chính trị mà còn góp phần củng cố niềm tin của quân-dân với Đảng, với cách mạng.

Bên cạnh những hình ảnh, hiện vật về các trận đánh là những hình ảnh về lực lượng du kích Gia Lai tập sử dụng vũ khí mới được cấp phát trong kháng chiến chống Pháp; hình ảnh làng kháng chiến Stơr-nơi Anh hùng Núp cùng du kích và người dân đã sáng tạo ra các loại chông, mìn, cạm bẫy để tiêu diệt nhiều sinh lực địch… Những hình ảnh đó giúp cán bộ, chiến sĩ, học sinh và người dân trên địa bàn hiểu rõ hơn về những năm tháng quân-dân trong tỉnh sống, chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Mặt khác, mỗi khách tham quan khi đến với Nhà truyền thống cũng thêm một lần hiểu, cảm nhận về những tội ác mà thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã gây ra thông qua hình ảnh những chiếc máy chém, chuồng cọp, hàng rào kẽm gai, chiếc thùng phuy… hay hình ảnh những tên lính Mỹ-ngụy mổ bụng, moi gan người dân hết sức dã man…

Đang tham quan Nhà truyền thống, em Trần Nguyễn Hà Nhi (học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, TP. Pleiku) bộc bạch: “Chúng em rất vui khi đến đây để tìm hiểu lịch sử của quê hương, biết được những tấm gương anh hùng đã ngã xuống để chúng em có được cuộc sống ấm no và được cắp sách đến trường. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này góp sức mình vào xây dựng quê hương”. Không chỉ các em học sinh mà ngay cả các cựu chiến binh, những người một thời trực tiếp cầm súng đánh giặc mỗi khi đến đây, nhìn thấy các hiện vật, ký ức về một thời oanh liệt, hào hùng của bản thân và đồng đội cũng không khỏi bồi hồi, xúc động.

Ngoài ra, trong khuôn viên Nhà truyền thống còn nhiều hiện vật được trưng bày như: pháo, máy bay, xe tăng các loại… Đây là các loại phương tiện, vũ khí của địch mà quân và dân trong tỉnh đã bắn phá, thu giữ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Theo Trung úy Trần Văn Hân, bình quân mỗi năm, Nhà truyền thống đón tiếp trên 3.000 lượt khách là cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong tỉnh và cả nước bạn Lào, Campuchia. Chưa kể, mỗi năm, Nhà truyền thống còn đón các em học sinh của 51 trường tiểu học, THCS trên địa bàn tham gia các buổi học ngoại khóa để hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của lực lượng vũ trang tỉnh và tình đoàn kết quân-dân. Để phục vụ công tác giáo dục truyền thống đối với cán bộ, chiến sĩ cũng như khách tham quan, “chúng tôi luôn tìm ra các phương pháp, cũng như các tài liệu, thông tin mới nhất. Đặc biệt, chúng tôi luôn chú trọng áp dụng các phương pháp tuyên truyền khoa học để có thể truyền tải tất cả các nội dung giúp cán bộ, chiến sĩ, người dân dễ nhớ, dễ hiểu…”-Trung úy Trần Văn Hân cho biết.

Anh Huy

Có thể bạn quan tâm