TN - Đất & Người

Nỗi niềm ngư phủ vùng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong ngôi nhà sàn lọt thỏm giữa đám cây cỏ ở chân đập Ayun Hạ (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện), có một ngư phủ được mệnh danh là “sát thủ” săn cá chình từng nức tiếng khắp vùng. Con người ấy vẫn ở đó, nhưng cái danh xưng kể trên cùng loài “thủy quái” của các dòng sông, con suối đang dần bị trôi dần vào quên lãng…

Chuyện về loài thủy quái

Chúng tôi gặp ngư phủ Phạm Quốc Anh (47 tuổi) ở bên cửa xả của hồ Ayun Hạ trong những ngày nước lớn. Từ ngã ba quốc lộ 25 rẽ vào hồ Ayun Hạ, người dân đã nhanh nhẩu mách tên ông khi được hỏi về người săn cá chình nổi tiếng trong vùng. Ngôi nhà sàn vẻn vẹn hơn 15 m2 của ông nằm chơ vơ giữa những đám cỏ cây ở ngay dưới chân đập Ayun Hạ. Đang chờ máy đến gặt lúa, ông lủi thủi ra bờ sông nơi nước từ thượng nguồn tập kết ở lòng hồ, rồi dồn dập ồn ã đổ về xuôi. Ánh mắt sâu hun hút của người đàn ông mang trong mình dòng máu Thái như trôi theo dòng nước. Nước chảy dữ dội gào xiết âm vang cả vùng, nhưng dường như còn mang theo nỗi buồn thăm thẳm của người ngư phủ lực lưỡng.

 

 Cá chình sông hiện là đặc sản trong các nhà hàng hạng sang. Ảnh: V.N
Cá chình sông hiện là đặc sản trong các nhà hàng hạng sang. Ảnh: V.N

Từ vùng núi Thanh Hóa, vì thiếu đất sản xuất nên gia đình ông khăn gói lên Tây Nguyên với hy vọng kiếm được cái ăn rồi gầy dựng cơ nghiệp nơi xứ lạ. Kém may mắn và thiếu điều kiện hơn những gia đình khác, ông chỉ kiếm được “tấc đất cắm dùi” tại nơi heo hút, khuất lấp bởi cái đập cao sừng sững và bao bọc bởi hai dòng nước xả của hồ. Chỉ với mảnh vườn cỏn con và hơn một sào lúa mà phải nuôi đến 4 miệng ăn, ông Phạm Quốc Anh sắm thêm lưới, thuyền và dây câu để làm nghề chài lưới. Với nhiều năm kinh nghiệm vùng sông nước ở quê nhà, ông đã sớm làm quen và thành thục với các loài cá ở mảnh đất mới. “Vùng này nổi tiếng nhiều cá, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cá chình. Người ta vẫn hay gọi nó là thủy quái đấy vì nó to, khỏe, trông giống như rắn lại rất hung dữ, không cẩn thận là nó cắn đứt ngón tay như chơi. Nhưng thịt của nó lại rất ngon, bán cũng được giá”-ông chia sẻ.

Theo ông Quốc Anh, khoảng 5 năm trở về trước, cá chình còn khá nhiều. Mỗi khi mưa xuống, nước lớn, cá chình nhỏ ngược dòng nước nhảy hẳn lên bờ bò như những chú lươn. Chình là một loài cá rất đặc biệt: quanh năm sinh sống ở các khe nước, dòng sông, con suối đầu nguồn trên núi cao, nhưng đến mùa sinh sản, cá xuôi theo dòng nước, vượt hành trình hàng trăm km ra đại dương xa xôi để sinh nở. Cá chình bố mẹ sau chuyến hành trình này gần như đã kiệt sức và  kết thúc vòng đời của mình sau khi những quả trứng nở ra cá chình con. Cá chình con sẽ sống với môi trường nước mặn đến khi trưởng thành, đủ sức lực để đi ngược hành trình của bố mẹ chúng đã đi, từ đại dương ngược thác ghềnh lên các sông suối khe rạch vùng cao. Bởi thế, cuộc đời cá chình là những chuyến hành trình không ngừng nghỉ, cá chình sẽ liên tục di chuyển đến khi gặp những nơi có địa hình trắc trở thì chúng sẽ ở lại, hoặc đợi nước lớn sẽ tiếp tục di chuyển. Bao năm gắn bó, với ông Anh, cá chình không chỉ chuyện là mưu sinh mà còn là biểu tượng của sự khát khao mãnh liệt đến từ bản năng giống nòi.

Nỗi niềm ngư phủ

Theo ông Anh, mùa săn cá chình… chính vụ là khoảng thời gian mùa khô, khi cá chình khan hiếm thức ăn, chúng sẽ mạo hiểm rời bỏ hang sâu, hốc đá để ra ngoài kiếm ăn. Cá chình sợ ánh sáng nên chúng thường sống ở những nơi thâm u và chỉ ra ngoài kiếm ăn vào ban đêm. Bởi vậy, đợi khi chiều tà, ông mới lần theo các khe rạch, sông suối để tìm chỗ giăng câu. Ông Anh tiết lộ: “Hàng chục năm bám nghề, nên giờ nhìn chỗ nào khả năng có nhiều cá chình là tôi biết ngay. Thường tôi chọn những nơi có đá to nhô ra, dễ có hang hốc hoặc vũng nước sâu nơi các dòng thác, bởi cá chình khi bơi đến đó sẽ không lên cao được nữa mà ở lại”. Chọn được chỗ rồi, ông sẽ thả dây câu được bện bằng những sợi dây dù chắc chắn vắt ngang cố định ở hai bờ, dọc sợi dây này là các dây câu cách nhau khoảng 1,5 mét được thả sâu đến tận đáy. Lưỡi câu được móc vào mồi là các loại cá nhỏ như cá trắng, cá trôi. Sáng tinh mơ, khi sương sớm còn phảng phất trên mặt nước, ông trở lại nơi này để kiểm tra các lưỡi câu và thu hoạch chiến lợi phẩm.  

 

99noi niem2-Cá chình được xem là loài thủy quái bởi sự hung dữ cũng như sức mạnh của mình
Cá chình được xem là loài thủy quái bởi sự hung dữ cũng như sức mạnh của mình. Ảnh: V.N

“Ngày trước cá lên nhiều, mỗi dây câu có khi được 3-4 con cá lớn, nhiều con 7-8 kg, có con hơn 12 kg, dài đến hơn 2 mét. Cá chình thịt chắc, ngon nên bán rất được giá, thương lái đến mua tận nơi cũng đã có giá khoảng 400 ngàn đồng/kg. Nghề này đã giúp tôi nuôi được 2 đứa con học đại học đàng hoàng”-ông tâm sự. Nhưng một vài năm trở lại đây, khi thủy điện mọc lên ở nhiều nơi, cá từ đại dương lên đại ngàn gần như rất hiếm hoi, ông Anh buộc phải lặn lội đường sá xa xôi hàng chục thậm chí hàng trăm km để đến những nơi có cá chình nhưng cũng “không ăn thua”. Bên cạnh đó, có một số người dùng kích điện loại công suất lớn để bắt cá theo kiểu tận diệt, cá chình từ đó khan hiếm dần, có khi vài tháng ông mới lại câu được một con cá.

Buồn bã cầm những sợi dây câu khô sạm ở gác bếp, ông Anh thổ lộ, trước kia, trong vùng cũng có nhiều người săn cá chình như ông. Nhiều chuyến săn về, anh em lại mang cá chình đem nướng, cá chình om chuối… rồi quây quần bên nhau làm ly rượu nóng để tâm sự chuyện đời, chuyện nghề cá. Nay cá hiếm, những bạn nghề với ông đã buông câu mà trở về chăm chút việc đồng áng, ông bỗng cảm thấy cô đơn. Càng buồn hơn nữa khi người cháu của ông-anh Phạm Bá Thành (SN 1988, trú xã Ayun Hạ), người được mệnh danh là đệ nhất thợ lặn trong vùng, chuyên săn cá chình bằng việc lặn xuống hang sâu bắt cá đã chết trong một lần như thế. “Lần ấy nó bị đá sập xuống, kẹt tay trong hang rồi không kịp nổi lên để thở nên đã chết đuối. Sinh nghề tử nghiệp, biết sao bây giờ…”-ông nghẹn ngào.

Ngồi lặng đi một đỗi, ông bảo, ngày xưa còn lặn tốt được gần chục mét, nhưng nay đã thấy tuổi tác không trẻ nữa, có lẽ ông cũng sắp sửa phải gác câu thôi vì cá hiếm lắm rồi. Chợt nghĩ, một mai khi những chú cá chình “huyền thoại” từ đại dương không thể hành hương về nơi của cha mẹ mình nữa, có lẽ cái nghề săn cá chình ở vùng Ayun Hạ chỉ còn xuất hiện trong những câu chuyện kể bên mâm rượu, hay ở trong những bài viết như thế này mà thôi.

 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm