Thời sự - Bình luận

NÓI THẲNG: Cần nói thật về bằng tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với việc dùng bằng cấp 3 giả, ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) có bị pháp luật xử lý và xứng đáng ở vị trí Thượng tọa?

Ngày 7-8, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM có công văn gửi Ban Tôn giáo Chính phủ - Bộ Nội vụ, về việc xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang). Văn bản xác nhận:

"Ông Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD-ĐT TP HCM. Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6-6-1989 của Sở GD-ĐT TP HCM".

Như vậy, ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp cấp 3. Vậy ông Việt lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 ở đâu ra mà học đại học (ĐH), học thạc sĩ, tiến sĩ?

Văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM đã kết thúc vở bi - hài kịch mà ông Việt và Trường ĐH Luật Hà Nội, cùng diễn trên "sân khấu" nhiều năm qua.

Ông Vương Tấn Việt được cấp bằng tiến sĩ vào năm 2022

Ông Vương Tấn Việt được cấp bằng tiến sĩ vào năm 2022

Thực ra thời gian qua, mạng xã hội đã vạch trần sự thật về các văn bằng của ông Vương Tấn Việt và luận văn tiến sĩ của Thích Minh Quang.

Trường ĐH Luật Hà Nội cũng từng lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, học viên Vương Tấn Việt, sinh năm 1959, trước khi dự tuyển nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đại học ngành tiếng Anh năm 2001 tại Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội); tốt nghiệp ĐH ngành Luật năm 2019 tại Trường ĐH Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2, hệ vừa làm vừa học).

Về thời gian đào tạo tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, theo Trường ĐH Luật Hà Nội, tháng 11-2019, ông Việt trúng tuyển Nghiên cứu sinh khóa 25B (niên khóa 2019-2023).

Ngày 26-12-2019, học viên được công nhận nghiên cứu sinh và tới ngày 9-12-2021, ông Việt bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ cấp trường. Ngày 17-3-2022, ông Việt được cấp bằng tiến sĩ.

Đó là lý giải của Trường ĐH Luật Hà Nội, nhưng nhiều người không tin đó là sự thật. Hay nói một cách khác, Trường ĐH Luật Hà Nội có thể đã không chịu nói rõ sự thật về quá trình học của ông Thích Chân Quang.

Ngày 13-8, trả lời báo chí về trường hợp ông Việt, ông Tô Văn Hòa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho biết nhà trường sẽ thực hiện theo kết luận, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.

Cách trả lời của đại diện ban giám hiệu nhà trường dễ gây ức chế cho dư luận. Lẽ ra khi có những chuyện lùm xùm liên quan đến ông Việt, Trường ĐH Luật Hà Nội phải tự điều tra tìm sự thật nhưng trường này không làm. Vì sao?

Dư luận thắc mắc một ĐH quy mô như Trường ĐH Luật Hà Nội, trước một sự thật hiển nhiên như vậy, trên tinh thần khoa học và cầu thị, lẽ ra nhà trường phải lên tiếng cụ thể, một cách kiên quyết với những trường hợp có thể sử dụng bằng giả để học ở bậc tiến sĩ như ông Việt.

Trường ĐH Luật Hà Nội thừa hiểu rằng người sử dụng bằng giả phải thu hồi các bằng đã học sau đó, tức là nếu sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả thì bằng ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ của ông Việt đều vô giá trị.

Trường ĐH Luật Hà Nội cũng thừa biết rằng người sử dụng bằng giả bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt khác, những lùm xùm vừa qua với Thượng tọa Thích Chân Quang, cộng với việc có thể sử dụng văn bằng giả, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần có biện pháp xử lý thích hợp để bảo vệ uy tín của Giáo hội.

Ông Vương Tấn Việt có còn xứng đáng ở vị trí Thượng tọa? Đó là câu hỏi dư luận cần được trả lời.

Theo Lưu Nhi Dũ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm