TN - Đất & Người

Nông dân Đắk Nông đổ xô trồng sầu riêng, ôm mộng làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cây sầu riêng đang là vua của các loại cây trồng khi vừa có giá bán cao lại được xuất khẩu chính ngạch đi thị trường Trung Quốc - nước có đông dân số nhất thế giới. Thế nên, nhiều người dân ở tỉnh Đắk Nông đã đổ xô đi trồng sầu riêng để nuôi mộng làm giàu. 
Nông dân Đắk Nông chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân Đắk Nông chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân và sức hút của cây sầu riêng

Mấy năm gần đây, anh Phạm Quốc Hưng, ở xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức đã phát triển được 10ha sầu riêng. Hiện nay, vườn sầu riêng của gia đình anh Hưng có khoảng 500 cây, bắt đầu cho thu bói vào năm nay.

Mặc dù đã sở hữu diện tích rất lớn nhưng anh Hưng vẫn tiếp tục xuống giống thêm 1.000 cây sầu riêng trồng xen với 5ha cây trồng khác.

Chia sẻ về việc này, anh Hưng cho biết, người làm nông nghiệp hiện nay dù trồng cây gì cũng đối mặt với nhiều rủi ro. Còn anh chọn sầu riêng vì loại cây trồng này đang có giá trị kinh tế cao.

"Tôi đầu tư sản xuất sầu riêng để tạo cơ hội tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Còn về lâu về dài thì cũng không có gì bảo đảm an toàn" - anh Hưng cho biết.

Tương tự, năm 2022, ông Lầu A Sy, ở xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa bắt đầu thu bói 500 cây sầu riêng. Trong năm này, ông Sy thu hoạch được hơn 20 tấn quả, bán được 1,6 tỉ đồng.

Theo ông Sy, từ năm 2017 đến nay, ông đã phát triển hơn 45ha sầu riêng, chủ yếu trồng thuần, tổng mức chi phí khoảng 6,5 tỉ đồng.

Sầu riêng là loại cây trồng khó tính, phải từ 5 - 6 năm mới bắt đầu cho thu hoạch ổn định. Do đó, để đầu tư sản xuất sầu riêng, ngoài kiến thức thì nguồn vốn phải mạnh, người nông dân mới có thể trụ vững.

Cụ thể, trong chu kỳ 5 năm đầu, ngoài giá trị đất, ông Sy phải đầu tư khoảng 200 - 300 triệu đồng/ha cho cây giống, công chăm sóc, phân bón, nước tưới…

Một vườn sầu riêng quy mô lớn ở địa phương. Ảnh: Phan Tuấn

Một vườn sầu riêng quy mô lớn ở địa phương. Ảnh: Phan Tuấn

Diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Đức, hiện nay, toàn huyện có hơn 1.000ha sầu riêng. Trong đó, có 372ha cho thu hoạch, sản lượng quả thu hoạch ước đạt 2.458 tấn/năm.

Khoảng 3 năm trở lại đây, giá sầu riêng luôn giữ ở mức cao, nên diện tích loại cây này trên địa bàn huyện Tuy Đức tăng nhanh, bình quân tăng 150ha – 200ha/năm. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu gồm sầu riêng ghép Ri6, Dona, Musang king, Monthong.

Việc phát triển sầu riêng trên địa bàn huyện chủ yếu diễn ra theo hình thức tự phát ở khắp các địa bàn trong huyện. Phần lớn là trồng xen canh với các loại cây trồng khác.

Tại huyện Đắk R’lấp, thống kê của ngành chức năng cho thấy địa phương này hiện có hơn 2.260ha sầu riêng trồng xen và trồng thuần, sản lượng đạt 15.657 tấn/năm.

Hiện nay, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R'lấp đã tham mưu UBND huyện Đắk R'lấp khuyến cáo người dân nên xem xét việc trồng sầu riêng ở khu vực nào để phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và phát triển bền vững.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đắk R'lấp Nguyễn Thành Nên cho biết, những năm qua, sầu riêng là loại cây trồng có giá bán khá cao và cho thu nhập cao nhất trong các loại cây trồng. Đây là lý do khiến người dân có xu hướng chặt bỏ một số cây như caosu, điều để trồng sầu riêng. Một số trường hợp thì trồng xen trong vườn cà phê.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã có 6.139ha sầu riêng. Ngành chức năng dự báo, diện tích loại cây trồng này ở Đắk Nông sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm