TN - Đất & Người

Nông dân Ðắk Nông mong có mã vùng trồng sầu riêng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tăng giá trị sản phẩm, giảm bớt phụ thuộc vào các thương lái. Để xuất khẩu chính ngạch, trước hết, nông dân phải sản xuất sầu riêng bảo đảm chất lượng, phải có mã vùng trồng.
Mong sớm được cấp mã vùng trồng
Trên 4 ha đất, ông Nguyễn Văn Thông, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức), trồng thuần hơn 700 cây sầu riêng giống Ri6, Monthong. Vụ sầu riêng năm 2022, ông có 300 cây cho thu hoạch, với sản lượng hơn 25 tấn quả.
Ông Thông bán sầu riêng với giá bán 40.000 đồng/kg, thương lái vào tận vườn mua. Vườn sầu riêng được ông quy hoạch bài bản, lắp đặt hệ thống tưới phun mưa. Ông áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng VietGAP, sử dụng phân, thuốc theo hướng hữu cơ.
Ông Thông cho biết, việc tiêu thụ sầu riêng những năm qua đều phụ thuộc vào thương lái. Do đó, nhiều thời điểm giá cả sầu riêng lên xuống thất thường, thậm chí bị thương lái ép giá.
Chính vì vậy, ông mong muốn sầu riêng có giá bán và đầu ra ổn định để mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. Ông cũng mong vườn sầu riêng sớm được cấp mã vùng trồng để có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Sầu riêng được thương lái tới vườn thu mua
Sầu riêng được thương lái tới vườn thu mua
Hiện tại, ông và 4 hộ dân khác sản xuất sầu riêng gần nhau, với diện tích 12 ha. Tất cả diện tích sầu riêng này đều được sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch.
Tương tự, vườn sầu riêng Ri6 gần 2 ha của gia đình anh Trần Văn Huy, ở xã Đức Mạnh (Đắk Mil) đã cho thu hoạch năm thứ 6. Lâu nay, anh Huy chủ yếu tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương lái, nội địa.
Anh Huy chia sẻ: "Chỉ có một đầu ra duy nhất, nên giá cả rất thất thường. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có sự đánh giá, hỗ trợ cấp mã vùng trồng cho vườn sầu riêng để sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc".
Tỉnh Đắk Nông hiện có 4.957 ha sầu riêng, trong đó có 1.858 ha cho thu hoạch, năng suất bình quân 10,9 tấn/ha, tổng sản lượng 19.163 tấn/vụ. Sầu riêng tập trung nhiều ở Đắk Mil, Đắk Song, Gia Nghĩa...
Sầu riêng chủ yếu được các thương lái vào tận vườn thu mua, sau đó xử lý, phân loại, đóng gói và vận chuyển đi các tỉnh tiêu thụ. Trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp thu mua, bao tiêu cho sầu riêng.
Nông dân Đắk Nông đang nỗ lực để được cấp mã vùng trồng sầu riêng
Nông dân Đắk Nông đang nỗ lực để được cấp mã vùng trồng sầu riêng
Nỗ lực của cơ quan chức năng
Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các khâu an toàn trong sản xuất, trồng trọt, đóng gói sầu riêng.
Các quy trình sản xuất sầu riêng theo quy định tiêu chuẩn mã vùng trồng, cơ sở đóng gói của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã, đang được cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để triển khai thực hiện.
Hiện nay, Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh đã và đang kiểm tra, hướng dẫn 8 vùng sản xuất sầu riêng đăng ký cấp mã số vùng trồng, 1 cơ sở đăng ký cấp mã số đóng gói; hướng dẫn hoàn thiện 5 hồ sơ vùng trồng.
Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, mã vùng trồng như giấy thông hành để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cấp mã vùng trồng còn nhiều bất cập.
Chính vì thế, Sở NN-PTNT đã, đang phối hợp Hội Nông dân tỉnh tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp tại Đắk Mil, Đắk R’lấp, TP. Gia Nghĩa, với hơn 800 nông dân.
Qua diễn đàn cho thấy mức độ quan tâm của các nhà vườn, người dân đối với việc cấp mã vùng trồng, làm thế nào để sản phẩm nông nghiệp được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường khó tính, trong đó có thị trường Trung Quốc.
Đây là dấu hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm và chiều hướng thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên, qua diễn đàn trên, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần khẩn trương triển khai nhanh, cụ thể hơn về cấp mã vùng trồng sầu riêng để sớm được xuất khẩu chính ngạch, từ đó giảm phụ thuộc vào thương lái và tăng giá trị sản phẩm...
Theo Hưng Nguyên (Báo Đak Nông)

Có thể bạn quan tâm