Kinh tế

Nông dân điêu đứng vì thiếu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thiếu nước tưới nghiêm trọng đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hàng ngàn ha lúa có nguy cơ mất trắng hoặc giảm mạnh năng suất, cùng với đó, nhiều chủ vườn cà phê, hồ tiêu cũng phải chật vật xoay sở tìm nguồn nước tưới…

“Nếu trong 10-15 ngày tới thời tiết tiếp tục nắng nóng, không có mưa, nguy cơ mất trắng đối với một số diện tích lúa đông xuân và thiếu nước tưới cho cây trồng như cà phê, hồ tiêu… là không thể tránh khỏi”-ông Văn Phú Bộ-Trưởng Phòng Nông nghiệp-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, nhận định.

Nước tưới quý hơn vàng

 

Người dân dùng bao đất chặn dòng giữ nước. Đây cũng là nguyên nhân của một vụ lời qua tiếng lại vì tranh chấp nguồn nước tưới... Ảnh: Lê Hòa
Người dân dùng bao đất chặn dòng giữ nước. Đây cũng là nguyên nhân của một vụ lời qua tiếng lại vì tranh chấp nguồn nước tưới... Ảnh: Lê Hòa

“Chưa năm nào tôi thấy khô hạn và thiếu nước tưới như năm nay. Mọi năm ở vùng này thỉnh thoảng có thiếu nước nhưng chủ yếu xảy ra ở đợt tưới thứ 3-4 khi về gần cuối mùa khô. Năm nay thiếu ngay từ đợt tưới đầu tiên”-anh Lê Bá Thảo, ở khối phố 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, nói.

Anh Thảo hiện có 2 ha cây cà phê đều trong giai đoạn kinh doanh. Đợt tưới đầu tiên, anh và hơn chục hộ dân quanh khu vực đã phải vất vả trầy trật mới hoàn tất đợt tưới. “Vì không đủ nước tưới nên đợt 1 đã phải vừa tưới vừa phải chờ. Cứ hết nước lại nghỉ để chờ nước. 2.000 cây cà phê mà tưới gần nửa tháng mới xong. Đến khi tưới đợt 2 thì gần như suối khô cạn, không còn nước để tưới tắm gì nữa”- anh Thảo, kể lại.

Để có nước tưới đợt 2, anh Thảo và những người xung quanh phải lấy nước từ suối Ia Châm cách đó một quả đồi nhỏ về. “Chúng tôi phải bố trí một máy bơm lấy nước từ suối Ia Châm qua đoạn đường dài 30 cuộn ống tưới để đưa nước về hồ, sau đó dùng máy khác lấy nước từ hồ tưới lên cho vườn cà phê”-anh Thảo mô tả. Vất vả, tốn kém, vậy nhưng, còn kiếm được ra nước tưới là còn mừng… “Bây giờ mới là đợt 2, nếu không có nước thì vụ cà này coi như nắm chắc thất bát”- anh Thảo nói.

 

Lập lán dã chiến để túc trực chờ nước tưới. Ảnh: Lê Hòa
Lập lán dã chiến để túc trực chờ nước tưới. Ảnh: Lê Hòa

Ông Phan Thanh Hải cũng như nhiều hộ trồng cà phê khác ở tổ 1, thị trấn Ia Kha cũng đến khổ bởi tình trạng thiếu nước tưới. “Đợt 1 tôi tưới 2 ha cà phê chỉ mất 5 ngày, đến đợt 2 kéo dài 16 ngày mới xong vì vừa tưới vừa chờ nước. Thiếu nước dễ đến các hộ tranh chấp, nhiều hộ mất bình tĩnh không tránh khỏi lời qua tiếng lại với nhau. Nước tưới bây giờ đúng là quý hơn vàng”-ông Hải, cho biết. Với người trồng cà phê, nước tưới là yếu tố không thể thiếu quyết định đến năng suất niên vụ tới, không có nước cà phê không thể trổ hoa, dưỡng quả non… “Mấy nay thấy trời âm u và kéo cơn, hy vọng là sẽ có mưa để bà con bớt khổ”-ông Hải, nói.


Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, toàn huyện hiện có 16.720 ha cà phê, trong đó 12.837 ha cà phê tư nhân, trong đó, nhiều diện tích cà phê ở các xã: Ia Grăng, Ia Sao, Ia Dêr và thị trấn Ia Kha đã lâm vào tình trạng thiếu nước do nguồn nước tại các con suối, ao hồ giảm mạnh. “Huyện đã chủ động lên phương án cho các xã thành lập ban điều tiết nước tưới để phân công, điều tiết nguồn nước hài hòa, đảm bảo tiết kiệm tối đa nguồn nước, tránh tranh chấp giữa các hộ dân. Nhưng hy vọng giải hạn bây giờ chỉ trông mong vào… nước trời. Trời không mưa thì hạn nặng là chắc chắn bởi nguồn nước sông suối, ao hồ tự nhiên và nhân tạo giờ đã ở mức thấp”-ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, thẳng thắn nhận định.

Tại xã Chư Drăng (huyện Krông Pa), khô hạn cũng khiến nhiều diện tích lúa và hoa màu của người dân bị ảnh hưởng. Ở các chân ruộng cao, mặt đất bắt đầu nứt nẻ ra tạo thành các rãnh vì khô nước lâu ngày; mương máng dẫn nước về đồng cũng dần cạn khô, lúa và hoa màu chuyển qua màu vàng úa… Ông Siu Loan, ở buôn H’Ngôm, xã Chư Drăng, cho biết: “Vụ này mình trồng 8 sào lúa nước. Mấy ruộng ở trên cao giờ gần hết nước rồi. Ngày nào cũng phải ở ngoài ruộng túc trực theo dõi nước, cứu được chừng nào hay chừng ấy nhưng khó lắm, chỉ mong trời đổ mưa thì mới cứu được thôi”. Còn ông Phạm Văn Sơn ở thôn Tam Đảo, cũng cho biết: “Từ năm 1998 đến này kể từ ngày tôi vào đây chưa bao giờ thấy hạn và thiếu nước như năm nay. Khu vực này có đập thủy lợi nhưng vẫn không đủ nước tưới cho mấy cánh đồng thôn Đồng Tĩnh, buôn Chai… Khả năng nhiều diện tích lúa sẽ bị mất trắng là nguy cơ có thật”. Theo thống kê của ngành chức năng, đến thời điểm này, toàn xã Chư Drăng đã có hơn 50 ha lúa và rau màu bị hạn…

Chờ mưa

Các huyện phía Tây: Chư Pah, Đak Đoa, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê…, tình trạng thiếu nước tưới cho cà phê, tiêu, lúa và hoa màu đang diễn biến hết sức phức tạp. Ở khu vực phía Đông, thiếu nước tưới đe dọa trực tiếp đến năng suất, sản lượng của cây trồng vụ đông xuân, đặc biệt là cây lúa bởi lúa đang trong thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng và trổ bông. Tình trạng thiếu nước tưới cục bộ diễn ra ở hầu hết các địa phương, ngoại trừ các khu vực đã xây dựng được hệ thống thủy lợi hay gần các sông suối, hồ đập có nguồn nước tự nhiên dồi dào.

 

Để có nguồn nước tưới đợt 2 cho vườn cà phê, hộ anh Thảo đã phải đưa nước từ suối Ia Châm cách đó 30 cuộn ống về tưới. Ảnh: Lê Hòa
Để có nguồn nước tưới đợt 2 cho vườn cà phê, hộ anh Thảo đã phải đưa nước từ suối Ia Châm cách đó 30 cuộn ống về tưới. Ảnh: Lê Hòa

Cà phê là loại cây trồng chịu tác động và ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới. Bởi, mùa khô Tây Nguyên trùng vào thời điểm cây cà phê ra hoa, tạo quả. Không có nước tưới cà phê sẽ không thể trổ bông và nuôi dưỡng quả non. Ngoài ra, với hầu hết các loại cây trồng khác như: hồ tiêu, lúa và rau màu… thiếu nước tưới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và sản lượng niên vụ này. Thống kê chưa đầy đủ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đến ngày 19-3, dựa trên báo cáo của 4 huyện là Đak Đoa, Chư Pah, Chư Pưh và Kbang, thì tổng diện tích bị hạn và thiếu nước tưới tại 4 huyện này hiện đã là hơn 1.085 ha, trong đó: lúa (931 ha), rau màu (34 ha), cà phê (120 ha)… “Nếu trong vòng nửa tháng nữa trên địa bàn tỉnh không có mưa với lượng mưa đủ lớn thì sẽ chính thức công bố hạn”-Ông Văn Phú Bộ-Trưởng Phòng Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết.

Ông Văn Phú Bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận, để giải tỏa cơn khát cho đồng ruộng, ngoài sự nỗ lực tự cứu mình bằng cách sử dụng và điều tiết hợp lý nguồn nước giữa các khu vực và các hộ dân thì chỉ còn có thể trông mong vào… nước trời. “Thực tế những ngày qua cũng đã xuất hiện mưa rải rác tại một số khu vực thuộc các huyện Mang Yang, Chư Pah với lượng mưa tương đối lớn. Khi nguồn nước sông suối tự nhiên khô hạn thì chỉ còn có thể trông mong vào trời đổ mưa cứu hạn thôi. Hiện tại, chúng tôi đang đề nghị Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên cùng phối hợp, theo dõi sát sao biến động của thời tiết để  làm cơ sở triển khai các biện pháp tiếp theo”- ông Bộ, chia sẻ thêm.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm