Kinh tế

Nông dân Gia Lai đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo và không ngừng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia Lai là một tỉnh nông nghiệp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 41,54%, giai cấp nông dân là lực lượng đông đảo nhất (chiếm hơn 78%). Trong những năm qua, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể các cấp, Hội Nông dân tỉnh nhà đã đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy nội lực góp phần thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
 

 

Xác định là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã không ngừng phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, đổi mới, nội dung, phương thức hoạt động, vận động, thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo hội viên nông dân tham gia vào tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ 2008-2013, các cấp Hội đã kết nạp được hơn 41.200 hội viên, nâng tổng số hội viên nông dân toàn tỉnh lên gần 165.000 hội viên, chiếm 86,6% so với số hộ nông nghiệp.

Đến nay, tất cả các thôn, làng trong toàn tỉnh đều có tổ chức Hội, hội viên ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức Hội, uy tín của các cấp Hội ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị.

Các phong trào thi đua yêu nước trong cán bộ, hội viên nông dân được phát động mạnh mẽ, sâu rộng, nhất là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nhiều phong trào hoạt động do Hội phát động đã có tác dụng thiết thực, động viên, tập hợp được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng, nổi bật nhất là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”; đã có hơn 51.780 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (tăng bình quân mỗi năm 9,2%), đạt tỷ lệ 27,3% so với hộ nông nghiệp; trong đó có hơn 18.200 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, điều đó đã khẳng định các hộ nông dân người dân tộc thiểu số đang dần thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng, củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng mỗi năm dạy nghề cho trên 7.000 nông dân và giải quyết việc làm cho 24.000 lao động, giúp thoát nghèo trên 7.200 hộ.

 

Mùa vàng trên cánh đồng Phú Thiện. Ảnh: Huy Tịnh
Mùa vàng trên cánh đồng Phú Thiện. Ảnh: Huy Tịnh

Hội đã phát động nông dân thi đua thực hiện xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia ở xã, làng, buôn mình đạt một số kết quả ban đầu đáng khích lệ. Phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Vận động hội viên nông dân thực hiện tiêu chí “Gia đình nông dân văn hóa”, “Làng bản văn hóa”, xây dựng các câu lạc bộ gia đình văn hóa; gia đình nông dân hiếu học… Tích cực tham gia xây dựng các chương trình, dự án của địa phương với sự hỗ trợ của Nhà nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Hội Nông dân các cấp chủ động phối hợp với các ban ngành, Mặt trận, đoàn thể vận động duy tu, bảo dưỡng và làm mới được hàng ngàn km đường giao thông nông thôn; nạo vét hàng ngàn km kênh mương nội đồng, hỗ trợ xây kiên cố 10.604 căn nhà…

Hưởng ứng phong trào “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng-an ninh”, các cấp Hội đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành hữu quan trong việc phòng-chống tội phạm, vận động nông dân đề cao cảnh giác, tích cực phòng-chống tội phạm; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nông dân, của cán bộ, hội viên; với tinh thần gần dân, sát dân, hiểu được những đòi hỏi, bức xúc của nông dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời từ cơ sở, không để phát sinh “điểm nóng”.

Thời gian qua, hội viên nông dân đã cung cấp nhiều tin có giá trị giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời, hiệu quả nhiều vụ việc về an ninh nông thôn, góp phần hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình an ninh chính trị-trật tự an toàn xã hội ở địa phương; vận động con em khám tuyển và thực hiện tốt Luật Nghĩa vụ Quân sự hàng năm; phát động phong trào hội viên nông dân tham gia bảo vệ đường biên giới…

Bên cạnh đó, hoạt động của Hội hiện nay còn có một số tồn tại, hạn chế; đó là: Do điểm xuất phát thấp, trình độ canh tác còn lạc hậu cho nên sự đóng góp của các cấp Hội vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đổi mới cách thức và hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng với yêu cầu sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới; việc dạy nghề và chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật cho nông dân tuy đã có một số kết quả nhưng chỉ mới bước đầu, phạm vi còn hẹp.

Năng suất, hiệu quả sản xuất còn thấp, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp còn kém, thu nhập bình quân, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân vẫn còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (hiện còn hơn 49.600 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 82,67% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh)...

Phát huy thành tích đạt được thời gian qua, trong nhiệm kỳ mới, các cấp Hội cần tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, tập hợp nông dân, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án đề ra, đi sâu đi sát cơ sở, tháo gỡ các khó khăn, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục phát động và thực hiện “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”, “Phong trào nông dân thi đua bảo đảm quốc phòng-an ninh”; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, giữ vững mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi cây trồng ở những vùng thường xuyên bị hạn; phát triển nền nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, phấn đấu thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các vùng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sâu sát với yêu cầu của thực tiễn sản xuất, nguyện vọng của hội viên, đề xuất những cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hiệu quả cao và bền vững, góp phần ổn định và nâng cao một bước đời sống nông dân.

Chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo nhằm gây rối trật tự xã hội của các cá nhân và tổ chức phản cách mạng trong và ngoài nước. Tuyên truyền giáo dục, vận động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số không nghe theo tà đạo “Hà Mòn”, Tin lành Đê-ga, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Có giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào dân tộc thiểu số địa phương; hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tập quán sản xuất cũ, lạc hậu; đẩy mạnh hơn nữa phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh-thiếu niên. Các cấp Hội phối hợp, tham mưu tốt cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số địa phương; không để các thế lực thù địch, FULRO lợi dụng vấn đề tranh chấp đất đai lừa mị, kích động nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3-12-2009 của Ban Bí thư (khóa X) về đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”; tuyên truyền vận động sâu rộng về xây dựng nông thôn mới trong hệ thống tổ chức Hội và cán bộ, hội viên, nông dân nhằm phát huy đầy đủ, toàn diện nội lực và tiềm năng, sáng tạo của nông dân, động viên, khuyến khích nông dân chủ động, tích cực tham gia với vai trò chủ thể ở nông thôn. Việc xây dựng nông thôn mới phải thực chất, sát với tình hình thực tế địa phương, không chạy theo thành tích, hình thức.

Tiếp tục phát huy tốt vai trò của nông dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để Hội thực sự là người bạn của nông dân, là chỗ dựa của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong tình hình mới.

Hà Sơn Nhin
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Có thể bạn quan tâm