(GLO)- Trải qua biết bao gian truân, nông dân Trần Quang Sơn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) đã nghiên cứu và sáng chế thành công máy sấy hồ tiêu sạch bằng tia hồng ngoại. Chiếc máy có giá “cực bình dân” nhưng giá trị sản phẩm hồ tiêu qua công nghệ sấy này lại gấp 5 lần so với giá thị trường.
Dám nghĩ, dám làm
Ban đầu, anh Sơn có ý định mua lại công nghệ sấy hồ tiêu của một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên do giá quá đắt (hơn 1,5 tỷ đồng) nên anh chuyển hướng sang mua máy sấy, nhưng rồi lại thôi bởi giá chiếc máy này cũng trên 100 triệu đồng. Với tay nghề của một thợ cơ khí dày dặn, anh tự tin sẽ chế tạo thành công chiếc máy sấy hồ tiêu tương tự nhưng có giá bình dân hơn, giúp nông dân ai cũng có điều kiện mua và sử dụng nhằm tăng giá trị của sản phẩm hồ tiêu mà họ vất vả làm ra.
Anh Trần Quang Sơn (trái) bên máy sấy hồ tiêu. Ảnh: N.S |
Nghĩ là làm, đầu năm 2012, anh Sơn quyết định bắt tay vào nghiên cứu máy sấy hồ tiêu hữu cơ nhằm giúp bảo quản tốt hơn nhưng vẫn giữ được màu sắc, hương vị của hạt hồ tiêu theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng muốn làm được máy sấy hồ tiêu sạch thì bắt buộc phải có nguồn nguyên liệu sạch. Do đó, anh đã mạnh dạn đưa hơn 1.500 trụ hồ tiêu của gia đình vào sản xuất theo hướng hữu cơ. Vừa chăm sóc vườn hồ tiêu, anh vừa tự mày mò tìm hiểu quy trình hoạt động của chiếc máy sấy hồ tiêu sạch. Qua hơn 6 năm ròng rã với cả trăm lần thử nghiệm, cuối cùng anh cũng thu được “quả ngọt”. Đầu tháng 4-2018, chiếc máy sấy hồ tiêu bằng tia hồng ngoại lần đầu tiên xuất hiện tại Hội thảo liên kết sản xuất hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững do Hội Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) tổ chức đã khiến nhiều người trầm trồ khen ngợi.
Tuy vậy, để có được kết quả này, ít ai biết rằng anh Sơn đã trải qua biết bao gian truân, khó nhọc. “Mỗi mùa hồ tiêu, tôi chỉ có thời gian gần 5 tháng để thử nghiệm. Bởi mỗi lần thất bại thì tôi lại phải đợi đến mùa sau mới có nguyên liệu để nghiên cứu tiếp. Cứ như thế, ròng rã suốt hơn 6 năm trời, chiếc máy sấy này mới có thể cho ra được những sản phẩm như mong muốn”-anh Sơn chia sẻ. Với giá chỉ 5 triệu đồng, chiếc máy này còn có thêm ưu điểm không hao tốn nhiều điện năng do được thiết kế tự báo nhiệt độ và tự hẹn giờ tắt khi nông sản đã khô. “Hồ tiêu được sấy xong vẫn giữ nguyên mùi vị, màu sắc, tinh dầu. Đặc biệt, máy chỉ có thể sấy hồ tiêu bán hữu cơ hoặc hữu cơ. Đối với sản phẩm hồ tiêu sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác thì khi qua nhiệt của bóng đèn hồng ngoại sẽ chuyển sang màu đen mà chỉ bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy”-anh Sơn phân tích.
Đưa hồ tiêu Nam Yang ra thị trường quốc tế
Theo anh Sơn, kết cấu máy sấy tiêu sạch không quá phức tạp: bên ngoài chiếc máy được thiết kế bằng những tấm sắt chống gỉ cùng bộ cảm biến nhiệt độ, bên trong có 8 ngăn chứa các khay dùng để đựng hạt hồ tiêu và hơn 10 bóng đèn được chiếu sáng bằng tia hồng ngoại. Đối với hồ tiêu bán hữu cơ, máy có thể sấy được tối đa 20 kg hồ tiêu/lần trong thời gian 8-10 tiếng đồng hồ. Còn đối với hồ tiêu hữu cơ, máy chỉ “dung nạp” khoảng 3 kg/lần, trong khi thời gian sấy sẽ kéo dài đến 14 tiếng. Qua công nghệ sấy này, hạt hồ tiêu vẫn giữ màu sắc ban đầu nên khá bắt mắt, giá cũng cao gấp 5 lần sản phẩm hồ tiêu khô ngoài thị trường. Hiện giá hồ tiêu bán hữu cơ sau khi sấy khô được anh Sơn bán với giá gần 200.000 đồng/kg, còn với tiêu hữu cơ là 500.000 đồng/kg.
Vườn tiêu chăm sóc theo hướng hữu cơ của một hộ trong tổ liên kết. Ảnh: N.S |
Biết anh Sơn sáng chế thành công máy sấy hồ tiêu bằng tia hồng ngoại, anh Ngô Văn Tiên-Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại xã Nam Yang đã tìm đến. “Tôi thấy chiếc máy này khá ưu việt, vẫn có thể sấy khô hồ tiêu mà màu sắc cũng như mùi vị không hề thay đổi. Hiện một số thành viên trong tổ cũng đã bắt đầu quan tâm và muốn sở hữu chiếc máy này”-anh Tiên cho biết.
Theo anh Tiên, sản xuất theo quy trình hữu cơ sẽ cho ra sản phẩm đảm bảo, đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế mà lại được giá. Hiện nhiều nước trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất... đã thấy được chất lượng vượt trội của hồ tiêu sau khi được sấy bằng máy sấy hồ tiêu sạch này và đang ký hợp đồng liên kết đầu ra. “Tuy nhiên, do cung không đủ cầu nên tôi đã liên kết với các hộ dân sản xuất hồ tiêu hữu cơ tại xã Nam Yang để từ đó có nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường. Nếu như sử dụng chiếc máy này của anh Sơn thì nông dân sẽ có thu nhập ổn định hơn”-anh Tiên khẳng định.
Trao đổi với P.V, anh Sơn cho biết: “Dù chiếc máy đã hoàn thiện nhưng tôi còn phải nghiên cứu thay đổi thêm một vài chi tiết để nâng công suất trong mỗi lần sấy. Tôi cũng hứa với những hộ trong Tổ liên kết sản xuất hồ tiêu xã Nam Yang rằng sẽ đưa sản phẩm hồ tiêu tốt nhất ra thị trường thế giới bằng việc sấy hồ tiêu từ chiếc máy này. Thời gian tới, tôi sẽ đăng ký bản quyền sáng chế và gửi sản phẩm tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2018”.
Nguyễn Sang