(GLO)- Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Hbông (huyện Chư Sê) đã trồng nhiều loại cây đem lại hiệu quả cao như: chanh tứ quý, ổi, bí và mía. Hiện tại, toàn xã có 40 hộ trồng mía với tổng diện tích hơn 320 ha.
Cây mía ở xã Hbông đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: P.L |
Trước đây, gia đình anh Đinh Văn Tạ (thôn Ktê 2) trồng mì, lúa. Tuy nhiên, vùng đất Hbông trồng mì thì bị úng, cây lúa thì thiếu nước nên không đem lại hiệu quả cao. Do đó, anh Tạ mạnh dạn chuyển đổi sang trồng mía. Anh Tạ chia sẻ: “Cây mía hợp với thổ nhưỡng nơi đây nên phát triển rất tốt và cho năng suất cao”. Vụ mía năm 2016, gia đình anh Tạ trồng 20 ha mía. Sau khi từ chi phí, gia đình anh thu được 35 triệu đồng/ha. Cũng theo anh Tạ, với chất đất ở Hbông, gốc mía có thời gian trồng kéo dài 4-5 năm (các vùng khác chỉ 2-3 năm) và công chăm sóc cũng giảm một nửa. Năm nay, gia đình anh Tạ tiếp tục trồng mới 10 ha mía, nâng tổng diện tích mía của gia đình lên 30 ha.
Tương tự, gia đình ông Châu Minh Hoàng (thôn Ktê 2) cũng trồng 6 ha mía. Diện tích đất ấy trước đây ông vẫn trồng cây mì, cây bắp song không đem lại hiệu quả là bao. “Khi chuyển sang trồng mía, chúng tôi được Nhà máy Đường Ayun Pa đầu tư phân bón, hỗ trợ máy móc, công cày đất, hướng dẫn kỹ thuật. Cây mía thích hợp với vùng đất này nên cho năng suất khá cao, trung bình 100 tấn/ha đối với mía tơ và khoảng 90 tấn/ha đối với mía gốc. Nhìn chung so với các loại cây trước đây, cây mía đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn cả”-ông Hoàng cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Phan Tiến Vũ-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hbông, cho hay: “Trước đây, người dân ở đây chủ yếu trồng cây mì. Tuy nhiên, cây mì chỉ cho lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/ha, vừa đủ để chi trả tiền công chăm sóc, không mang lại hiệu quả. Từ khi chuyển sang trồng mía, Nhà máy Đường Ayun Pa hỗ trợ 28-30 triệu đồng/ha tiền cày bừa, phân bón lót, bao tiêu đầu ra nên nông dân rất yên tâm. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu”.
Phương Linh