Kinh tế

Nông dân Ia Bă phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đầu năm 2018, nhiều hộ nông dân ở thôn Phù Tiên (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư trồng dâu nuôi tằm. Mô hình bước đầu cho kết quả khả quan, mở ra hướng đi triển vọng giúp nông dân trên địa bàn xã nâng cao thu nhập.
 Mô hình trồng dâu nuôi tằm hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho người dân xã Ia Bă (huyện Ia Grai). Ảnh: P.T
Mô hình trồng dâu nuôi tằm hứa hẹn mở ra hướng đi mới cho người dân xã Ia Bă (huyện Ia Grai, Gia Lai). Ảnh: P.T
Ông Nguyễn Văn Tuỵn là người tiên phong trồng dâu nuôi tằm tại thôn Phù Tiên. Ông Tuỵn cho hay: “Tôi từng có thời gian sinh sống và làm nghề trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Khi chuyển đến thôn Phù Tiên lập nghiệp, tôi nhận thấy thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây khá tương đồng với huyện Bảo Lộc-thủ phủ của nghề trồng dâu nuôi tằm Tây Nguyên. Vì vậy, năm 2002, tôi thử nghiệm trồng 2 sào dâu lấy lá nuôi tằm. Tuy nhiên, khi vừa thu được lứa kén đầu tiên thì vợ tôi đau bệnh, tôi phải tạm gác lại công việc để lo chữa trị cho vợ”.
Mãi đến tháng 6-2017, ông Tuỵn mới bắt tay trồng lại 3 sào dâu để nuôi tằm. “Sau 5 tháng, dâu bắt đầu cho thu lá. Tằm được cho ăn lá tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng, đều đặn 4 bữa/ngày. Sau 2 tuần nuôi với 1 hộp trứng tằm, tôi thu về 50 kg kén/sào dâu. Với giá bán cho công ty sản xuất tơ lụa ở Bảo Lộc dao động từ 180 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi tháng gia đình tôi thu về gần 6 triệu đồng/sào dâu. 3 sào dâu hiện tại, lứa sau, tôi sẽ nuôi thêm được 3 hộp trứng tằm”-ông Tuỵn nói.
Không hề giấu diếm kinh nghiệm, ông Tuỵn nhiệt tình hướng dẫn các hộ nông dân trong thôn Phù Tiên từ cách chọn giống dâu để trồng sao cho cây ra nhiều lá cho đến kỹ thuật nuôi tằm. Hiện tại, thôn Phù Tiên đã có 12 hộ đầu tư trồng dâu nuôi tằm với diện tích 2,2 ha. Tuy mới bắt tay vào triển khai từ đầu năm 2018 nhưng một số hộ đã thu về những mẻ kén đầu tiên. Các hộ dân gom sản phẩm tại gia đình ông Tuỵn để bán cho công ty sản xuất tơ lụa ở Bảo Lộc. Bà Trần Thị Hiền cho biết: “Được sự giúp đỡ tận tình của các gia đình trồng dâu nuôi tằm trong thôn, đầu năm 2018, tôi mạnh dạn trồng 2 sào dâu và nuôi 1 hộp trứng tằm. Tháng vừa rồi, tôi thu hoạch bán được 5 triệu đồng tiền kén”.
“Trong thời gian đến, các hộ trồng dâu nuôi tằm ở thôn Phù Tiên sẽ thành lập tổ hội nghề nghiệp nuôi tằm. Đây sẽ là cầu nối giữa nhà nông và doanh nghiệp để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện, tỉnh để mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao năng suất cũng như chất lượng kén”-ông Tuỵn cho biết thêm.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Bă-cho biết: Bước đầu, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mang lại hiệu quả, là hướng phát triển kinh tế của bà con trong thời điểm cây cà phê đang tái canh. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con không nên trồng dâu ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ trước khi nhân rộng. Trong thời gian đến, Hội Nông dân xã sẽ kết hợp cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu, nuôi tằm cho bà con. Đồng thời, xã sẽ phối hợp cơ quan chức năng liên hệ tìm đầu ra ổn định cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Phan Thương

Có thể bạn quan tâm