Gia đình ông Byir có tổng cộng hơn 9 ha đất sản xuất. Trước đó, ông chủ yếu trồng bời lời nhưng vì giá cả bấp bênh nên thu nhập hàng năm đạt thấp. Do đó, ông chuyển đổi dần sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn như cà phê, sầu riêng, cao su, mì… Theo đó, ông dành 4 ha đất đỏ bazan để trồng cà phê và sầu riêng; 3,7 ha đất đồi dốc trồng cao su và bời lời xen mì, 1,7 ha đất trũng trồng bắp và lúa. Đối với mỗi loại cây trồng, ông đều tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào chăm sóc cho phù hợp.
Đặc biệt, năm 2023, nhờ cà phê bán được giá, gia đình ông đã thu về hơn 900 triệu đồng từ 3 ha. Ngoài ra, ông còn thu gần 500 triệu đồng từ bán mủ cao su, bời lời, mì, bắp và một số sầu riêng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 1 tỷ đồng. “Nhờ chăm chỉ lao động, nhiều năm qua gia đình tôi đã có kinh tế ổn định. Vui hơn là có thu nhập, tôi nuôi được 7 người con ăn học đầy đủ, trong đó, có 5 người con học cao đẳng, đại học và hiện đã có việc làm”-ông Byir phấn khởi nói.
Tương tự, gia đình ông Lê Quyến (thôn Đại An 1) chỉ có 1,8 ha đất sản xuất mua từ năm 1979. Ban đầu, ông trồng cao su nhưng thời điểm thu hoạch giá thấp nên đến năm 2007 thì ông chuyển sang trồng cà phê. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, khi bước vào kinh doanh, năng suất thu đạt hơn 8 tấn nhân.
Thấy mật độ vườn cây cà phê còn thưa, năm 2018, ông Quyến quyết định trồng xen thêm 300 cây sầu riêng Thái Mongthong. Ông cũng chủ động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật vào chăm sóc sầu riêng. “Năm 2023, gia đình tôi thu được gần 20 tấn quả sầu riêng, bán được hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, tôi thu hơn 8 tấn cà phê nhân, bán với giá 23 ngàn đồng/kg, thu về hơn 460 triệu đồng. Trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 1 tỷ đồng từ 2 loại cây trồng này”-ông Quyến phấn khởi cho biết.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Quý-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Khươl cho hay: Toàn xã có tổng diện tích sản xuất trên 1.800 ha cây trồng, gồm: cà phê, cao su, bời lời, sầu riêng, mì, lúa nước... Những năm gần đây, nhiều hộ cũng đã chuyển đổi sang trồng các cây có giá trị cao và trồng xen các loại cây ăn quả để cải thiện thu nhập, đặc biệt là cây sầu riêng. Xã đã thành lập được Nông hội trồng sầu riêng với hơn 30 hộ tham gia nhằm chia sẻ kỹ thuật và liên kết hỗ trợ đầu ra sản phẩm. Riêng năm nay, toàn xã có 520 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, có 10 hộ có thu nhập từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí; số còn lại có nguồn thu nhập từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng.
“Với đặc thù của một xã có hơn 76% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số và trên 95% số hộ làm nông nghiệp, cho nên Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”; đồng thời, tạo điều kiện để giúp hội viên, nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào chăm sóc nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi”-Chủ tịch Hội Nông dân xã thông tin.