(GLO)- Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) đã đầu tư mua sắm máy móc để chế biến nông sản. Việc chế biến đã góp phần nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho nông sản địa phương trên thị trường.
Từ thực tế địa phương và tìm hiểu thị trường, đầu năm 2018, chị Nguyễn Thị Thanh Hương (làng Tung, xã Tơ Tung) đã đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng nhà xưởng và mua máy sấy nông sản. Chị Hương cho hay: Trong quá trình buôn bán tạp hóa, chị thấy nhiều loại nông sản của bà con làm ra bị bỏ thối do mùa mưa không phơi được, nhất là măng le và bí. Từ đó, chị nảy sinh ý tưởng mua máy về để sấy khô nông sản cho bà con. Mùa nào thức ấy, chị nhận sấy các loại nấm, lá vối, chè dây, đinh lăng, măng, chuối hột… cho người dân trên địa bàn.
Ngoài sấy nông sản cho người dân trong vùng, chị Hương còn đầu tư sản xuất trà bí đao. Chị mua bí tươi (loại quả nhỏ) của các hộ dân đem về rửa sạch, thái lát xếp vào từng khay rồi bỏ vào lò sấy. Sau khi sấy khoảng 14 tiếng đồng hồ, những lát bí mọng nước đã khô giòn, thơm nức. Theo chị Hương, bí được thu mua tại ruộng về chế biến ngay nên ít bị ảnh hưởng đến hàm lượng dưỡng chất bên trong. Khi ra thành phẩm, trà bí đao có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh. Hiện nay, sản phẩm trà bí đao sấy khô của gia đình chị Hương không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất bán đi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, TP. Đà Nẵng với giá 200 ngàn đồng/kg. Trong năm 2018, chị Hương xuất bán hơn 1 tấn bí sấy, trên 1 tấn măng khô và nhiều nông sản khác. Sau khi trừ chi phí, chị lãi trên 100 triệu đồng.
Chị Lê Thị Cẩm Như đầu tư máy móc để chế biến hạt mắc ca đảm bảo chất lượng. Ảnh: N.M |
Cũng đầu tư mua máy móc về chế biến hạt mắc ca, chị Lê Thị Cẩm Như-chủ cơ sở sản xuất mắc ca Minh Quang (38 Trần Hưng Đạo, thị trấn Kbang) cho biết: “Mấy năm trước, trên địa bàn huyện có ít cơ sở thu mua hạt mắc ca. Do đó, người dân phải mang hạt mắc ca sang tỉnh Đak Lak bán với giá 70 ngàn đồng/kg, thấp hơn giá thị trường 10 ngàn đồng/kg”. Năm 2017, được người bạn giới thiệu, chị Như mua 500 kg quả mắc ca tươi về sơ chế rồi đem rang. Do được chế biến kịp thời nên hạt mắc ca sau khi rang ăn rất bùi, thơm ngon. Chị đưa sản phẩm giới thiệu trên mạng xã hội và nhận được những tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng. Năm 2018, chị quyết định mua máy sấy, máy hút chân không, máy tách vỏ, máy ép dầu để chế biến hạt mắc ca và đăng ký nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, sản phẩm hạt mắc ca do chị Như sản xuất ngày càng ngon hơn, được thị trường ưa chuộng. “Ngoài bán lẻ cho khách hàng trên địa bàn tỉnh, phần lớn hạt mắc ca của cơ sở xuất sỉ đi thị trường TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Giá bán lẻ 1 kg hạt mắc ca 250 ngàn đồng, còn bán sỉ là 220 ngàn đồng. Năm 2018, gia đình tôi xuất bán được 12 tấn hạt mắc ca”-chị Như cho hay.
Theo chị Như, việc bảo quản, sơ chế sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng của quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng nông sản. “Chính vì vậy, tôi sẽ mua thêm 1 máy sấy cỡ lớn công suất 800 kg/mẻ; xây kho lạnh có sức chứa 10 tấn để vừa kịp thời thu mua hạt mắc ca của người dân trong thời gian thu hoạch, vừa bảo quản nguồn nguyên liệu, đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm”-chị Như chia sẻ thêm.
Ngoài 2 cơ sở chế biến nông sản trên, tại huyện Kbang hiện có hơn 10 cơ sở sơ chế, chế biến cà phê, chanh dây, chuối khô, trà dược liệu... Ông Mã Văn Tình-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ 2 lò sấy nông sản cho Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Lang (xã Sơn Lang) và Hợp tác xã Nông nghiệp và Dược liệu Quang Vinh (xã Sơ Pai). Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc bảo quản nông sản để giảm tổn thất sau thu hoạch; hướng dẫn các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, nhập nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tuân thủ quy trình chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng tính cạnh tranh cho nông sản địa phương trên thị trường.
NGỌC MINH