Kinh tế

Nông dân Lơ Ku lao đao vì thất thu nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, nông dân xã Lơ Ku (huyện Kbang) đang khẩn trương thu hoạch đậu đen, đậu xanh, bắp để chuẩn bị sản xuất vụ mới. Song, thay vì vui mừng đón nhận thành quả lao động của mình, họ lại trở nên rầu rĩ bởi nông sản làm ra mất cả mùa lẫn giá, thậm chí không có gì để thu hoạch.  

Đậu mất gần nửa giá

Hạn hán kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích đậu xanh, đậu đen trên địa bàn xã Lơ Ku không sinh trưởng, phát triển tốt. Cây đậu còi cọc, thấp bé làm ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch. Hạt đậu nhỏ, không được chắc và bị hỏng khá nhiều.

 

Nông dân Lơ Ku cố thu hoạch vớt vát để gỡ vốn đầu tư. Ảnh: Hồng Thương
Nông dân xã Lơ Ku cố thu hoạch vớt vát để gỡ vốn đầu tư. Ảnh: Hồng Thương

Vốc nắm đậu xanh lên tay, bà Chu Thị Nhung (thôn 2) chỉ cho chúng tôi xem những hạt đậu bị hỏng, rồi buồn rầu nói: “Năm nay, đậu mất mùa, hộ nào đầu tư trồng nhiều thì bỏ công thu hoạch để vớt vát chút vốn, còn hộ nào trồng ít thì chẳng muốn thu. Nhà tôi trồng 1,2 ha, thu hoạch kỹ cũng chưa được 2 tạ đậu, mà hạt đậu cũng hỏng gần 1/3”. Cũng theo bà Nhung, với diện tích này, năm ngoái bà thu được 1,2 tấn đậu. Giá đậu năm ngoái được 26.000 đồng/kg, còn hiện tại chỉ dao động từ 15. 000-17.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng đậu.

Tương tự, ông Bàn Văn Vượng cũng tỏ ra âu sầu vì gia đình có 4 người, quanh năm chỉ trông vào 1,8 ha đậu xanh. Thế nhưng vụ mùa này, nắng hạn kéo dài đã khiến cho ruộng đậu của gia đình ông mất mùa nặng nề. Dù đã cất công, cố gắng thu hái thật kỹ nhưng cũng chỉ có 3 tạ đậu, bán được hơn 4 triệu đồng; trong khi đó, việc đầu tư đã hết gần 8 triệu đồng. “Nắng hạn kéo dài khiến cho cây đậu còi cọc, không phát triển được. Đến lúc trổ bông lại gặp phải gió Đông ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, dẫn đến năng suất giảm”-ông Vượng lý giải nguyên nhân.

 

Với 1,8 ha đậu xanh, gia đình ông Vượng chỉ thu về được 4 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thương
Với 1,8 ha đậu xanh, gia đình ông Vượng chỉ thu về được 4 triệu đồng. Ảnh: Hồng Thương

Trái bắp đẻ nhánh, không hạt

Ngoài nỗi buồn trên, nông dân xã Lơ Ku còn phải chịu thêm cảnh lao đao vì bắp năm nay có hiện tượng ra trái như nải chuối, không hạt hoặc hạt rất ít. Tổng diện tích thiệt hại thống kê được trên địa bàn là 13,7 ha, đều trồng 2 loại giống NK66 và NK67 của Công ty Syngenta Việt Nam.     

Dẫn chúng tôi đến ruộng bắp 1,5 ha để khô trên cánh đồng của mình, ông Nguyễn Xuân Khoa (thôn 2) lắc đầu ngán ngẩm: “18 triệu đồng đổ vào đó, giờ coi như mất trắng. Cả đám mà chỉ mấy cây cho trái có hạt, còn lại toàn răng cưa và cùi thì thu làm gì cho phí thêm tiền công. Nhìn vào ruộng bắp xanh tốt của nhà tôi, không ai nghĩ là thất thu thảm hại thế này”.

Ông Khoa cũng cho biết thêm, khi canh bắp đến độ vừa ăn, vợ ông có ra đồng lựa chọn những trái to, ngon để về nấu thì bóc ra phần lớn đều không có hạt. Lúc đó ông mới đi kiểm tra và nhận thấy thực trạng trên. “Ngay lập tức, tôi đã tìm đến nơi mua giống là đại lý Dung Út ở thị trấn Kbang để phản ánh vấn đề này. Đại diện công ty Syngenta cũng đã đến kiểm tra tình hình tại ruộng bắp nhà tôi, song đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì từ phía họ. Nguyên nhân họ đưa ra do thời tiết đã đành, đằng này còn bảo chúng tôi trồng không đúng kỹ thuật nên bắp mới như thế. Thật quá vô lý với những người nông dân trồng bắp dày dạn kinh nghiệm như chúng tôi”- ông Khoa bức xúc.

 

Ông Khoa chỉ cho phóng viên xem hiện tượng cho trái chùm, không hạt trên ruộng bắp của mình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Khoa chỉ cho phóng viên xem hiện tượng cho trái chùm, không hạt trên ruộng bắp của mình. Ảnh: Hồng Thi

Tương tự ông Khoa, 7 hộ dân khác ở thôn 2, xã Lơ Ku cũng cùng chung hoàn cảnh dở khóc dở cười như trên. Tất cả họ đều bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp vào cuộc hỗ trợ cũng như sự quan tâm từ phía Công ty giống để nhân dân có thể tiếp tục tin tưởng sử dụng giống bắp này lâu dài vào những vụ tiếp theo.

Trao đổi xung quanh vấn đề về đậu mất mùa, mất giá và bắp có hiện tượng bất thường, ông Nguyễn Văn Bắc-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku cho biết, theo thống kê, trên địa bàn xã có 138 ha đậu xanh bị thiệt hại từ 30-70 %. Hiện UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đi kiểm tra và báo cáo lên huyện để đề nghị huyện hỗ trợ, giúp nông dân khắc phục khó khăn, chuẩn bị tốt cho vụ xuống giống trồng đợt mới.

Riêng đối với bắp, các ngành chức năng huyện kết luận rằng nguyên nhân chủ yếu là do nắng hạn chứ không phải do giống. Tuy nhiên, ông Bắc cũng đặt ra nghi vấn: “Theo kinh nghiệm của bản thân tôi và người dân trong xã, nếu do nắng hạn lúc gieo trồng, cây bắp sẽ còi cọc, không lớn chứ không thể sinh trưởng, phát triển xanh tốt như vậy. Còn nếu gặp hạn lúc trổ cờ làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, bắp có thể cho hạt lép, hạt thưa, thậm chí có thể xuất hiện số ít không hạt, nhưng không thể nào cho trái chùm như nải chuối. Hơn nữa, cùng một khu vực trồng, tại sao giống bắp khác lại cho thu hoạch bình thường, còn giống NK66 và NK67 lại có vấn đề trong khi cùng chịu chung một thời tiết? Có chăng phần lớn do giống chứ không phải vì nắng hạn?”.

Hồng Thương-Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm