Kinh tế

Nông dân ngồi 'rung đùi' tưới nước, bón phân cho tiêu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên, người dân trồng tiêu Quảng Trị được trải nghiệm hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ cao của Israel và họ bỗng trở nên... nhàn hạ!

 

Để người nông dân làm chủ được công nghệ, các chuyên gia nông nghiệp đã về tận vườn tiêu hướng dẫn cách vận hành hệ thống tưới tiết kiệm - Ảnh: Nguyễn Phúc
Để người nông dân làm chủ được công nghệ, các chuyên gia nông nghiệp đã về tận vườn tiêu hướng dẫn cách vận hành hệ thống tưới tiết kiệm - Ảnh: Nguyễn Phúc




Anh Nguyễn Tấn Minh, một nông dân trẻ tuổi ở xã Vĩnh Kim (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) là chủ của một vườn tiêu gần 1 ha. Những ngày cuối xuân, bước vào vườn tiêu xanh mướt của chàng trai này, mọi sự chú ý đều đổ dồn về 1 hệ thống dây nhợ chằng chịt, chạy quanh các gốc tiêu, tưởng như vứt ngổn ngang nhưng xem xét kỹ lại là sắp đặt... hữu ý.

Đây là hệ thống tưới tiết kiệm mà anh vừa được chuyển giao từ dự án “Sản xuất tiêu an toàn áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm” của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị triển khai bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới tài trợ. “Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hệ thống tưới (gồm ống tưới, máy bơm, các thiết bị liên quan, lắp đặt thi công...), còn chúng tôi đối ứng bằng việc phải xây dựng 1 bể nước và cung cấp điện cho hệ thống vận hành”, anh Minh nói.

Tưới nước, bón phân... từng giọt

Liền đó, anh lập tức “thị phạm” cho chúng tôi về công nghệ tưới mới tinh mà bản thân anh cũng đang tập tành vận hành. Thật bất ngờ, sau khi đóng điện, ngoài tiếng máy bơm, người ta không nghe thấy tiếng gì khác. Cả khu vườn vẫn vậy, tưởng như chẳng có gì thay đổi. “Với hệ thống này nước không chảy thành dòng, không bắn thành tia, mà chỉ... nhỏ từng giọt. Ban đầu tôi cũng thắc mắc là cứ từng giọt như thế này thì bao giờ mới xong nhưng chỉ sau 2 tiếng quay lại mới hay cả vạt đất dưới gốc đã đẫm nước. Tưởng như chẳng giọt nước nào bị lãng phí…”, anh Minh tấm tắc khen.

Theo ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, hiện có 40 hộ dân thuộc 2 xã Vĩnh Kim và Vĩnh Hòa (H.Vĩnh Linh) được trang bị miễn phí các hệ thống tưới, đảm bảo cho diện tích gần 10 ha tiêu. Cũng theo ông Tâm, ngoài tưới nước, hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ tiên tiến của Israel còn có công dụng tuyệt vời khác, đó là... bón phân. “Tất nhiên, không thể dùng các loại phân bình thường để đưa vào hệ thống tưới này mà phải là phân hòa tan. Muốn làm được, bà con cần phải làm chủ công nghệ, để vận hành hệ thống tưới”, ông Tâm nói.


 


Hệ thống này tiết kiệm nước đến mức sử dụng thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Đối với bón phân, hệ thống này cũng dễ dàng phân bố điều tiết lượng phân đồng đều cho cả vườn tiêu. Qua đó tiết kiệm rất nhiều công cán của người trồng tiêu".
 

Tiến sĩ Vũ Văn Khuê, Trưởng bộ môn giao hoa - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải nam Trung bộ




Sau nhiều buổi tập huấn với sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia nông nghiệp ngay tại vườn tiêu, hầu hết bà con trồng tiêu đã bắt đầu “mê” hệ thống tưới tiết kiệm này. Họ biết khi có nó, việc nhà nông có phần... nhàn hạ. “Từ thời cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi mới biết là có kiểu tưới phân hiện đại như thế này”, ông Trần Ngọc, một nông dân trồng tiêu ở xã Vĩnh Kim, nói. Còn anh Minh bộc bạch: “Đối với nông dân chúng tôi, khi áp dụng bất kỳ một phương pháp mới, một tiến bộ khoa học kỹ thuật nào lúc ban đầu cũng đều bỡ ngỡ. Nhưng tôi thực sự tin rằng, hệ thống tưới tiết kiệm này sẽ thực sự đưa việc trồng tiêu ở Quảng Trị sang một trang mới, tươi đẹp hơn, giữa lúc giá tiêu không còn cao chót vót như ngày xưa nữa”.

Tăng hiệu quả, giảm chi phí

Theo tiến sĩ Vũ Văn Khuê, Trưởng bộ môn giao hoa - Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải nam Trung bộ, người đồng hành từ những ngày đầu của dự án, thì hệ thống tưới tiết kiệm có rất nhiều đặc tính ưu việt, vượt trội so với cách tưới truyền thống, thủ công. “Hệ thống này tiết kiệm nước đến mức sử dụng thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Đối với bón phân, hệ thống này cũng dễ dàng phân bố điều tiết lượng phân đồng đều cho cả vườn tiêu. Qua đó tiết kiệm rất nhiều công cán của người trồng tiêu”, tiến sĩ Khuê nói.

Cũng theo phân tích từ vị tiến sĩ này nếu bón phân như truyền thống (bón thủ công với các loại phân kali, ure, NPK…) thì cây tiêu chỉ hấp thụ được 40 - 50%, trong khi đó, đối với bón phân hòa tan thông qua hệ thống tưới, cây tiêu hấp thụ lên tới 90%. Chính vì hiệu quả bón phân thì sẽ tiết kiệm được số phân đã sử dụng vừa nâng cao chất lượng hạt tiêu. “Về cơ bản, với hệ thống này và phân hòa tan, chi phí sản xuất sẽ giảm, tăng giá trị sản phẩm hồ tiêu, giảm công sức nông dân”, tiến sĩ Khuê một lần nữa khẳng định.

Theo Nguyễn Phúc (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm