Các doanh nghiệp, hộ nông dân tại Lâm Đồng đã chuẩn bị lượng lớn hàng hóa cho dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Chiếm phần lớn trong đó là hàng chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 19.479 ha trồng rau củ quả. Trong đó có hơn 17.000 ha sản xuất rau, quả ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chiếm trên 87% tổng diện tích trồng rau củ quả và khoảng 35% tổng diện tích ứng dụng công nghệ cao toàn tỉnh.
Một cơ sở tại Lâm Đồng sơ chế, đóng gói hành tây trước khi đưa đi tiêu thụ
Có tổng cộng 6 doanh nghiệp nước ngoài và 19 doanh nghiệp trong nước chế biến rau trên địa bàn với công suất trên 24.500 tấn thành phẩm, 85% - 90% sản lượng đang tiêu thụ tại thị trường nội địa. Hầu hết sản phẩm rau tại Lâm Đồng trước khi đưa về TP HCM tiêu thụ đều đã được qua sơ chế. Khoảng 60% sản lượng tiêu thụ tại TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh miền Tây (12% - 15%), miền Trung (12% - 15%) và Hà Nội (7% - 10%). Nguồn rau củ quả cung ứng cho thị trường Tết năm nay khá dồi dào, nhà vườn rất kỳ vọng sức tiêu thụ sẽ tăng để không bị động đầu ra - đại diện Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Ngoài việc định hướng sản xuất "sạch" để nâng giá trị nông sản và thực hiện sơ chế tại nguồn để giảm lượng rác thải nông sản đưa về TP HCM theo chương trình phối hợp "Sơ chế nông sản tại nguồn" do TP HCM làm đầu mối triển khai, tỉnh Lâm Đồng đang tập trung xây dựng thương hiệu nông sản. Thời gian tới, tỉnh này sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ blockchain đối với 5 sản phẩm là khoai tây, cà rốt, củ hành, dâu tây và quả hồng nhằm lấy lại thương hiệu cho 5 loại nông sản kể trên, tránh tình trạng người bán nhập hàng nông sản Trung Quốc rồi đánh tráo xuất xứ thành hàng Đà Lạt để lừa người tiêu dùng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt.
T.Nhân (Người Lao Động)