Kinh tế

Nông dân trồng mè lao đao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ một giống “trồng chơi ăn thật”, cây mè bỗng trở thành nỗi ám ảnh đối với người nông dân ở các huyện Đông Nam tỉnh khi cùng một lúc bị thiệt hại kép: mất mùa, rớt giá.

Than trời với cây mè

 

 Mè vừa mất mùa, vừa rớt giá khiến nông dân lao đao. Ảnh: Văn Ngọc
Mè vừa mất mùa, vừa rớt giá khiến nông dân lao đao. Ảnh: Văn Ngọc

Những ngày đầu tháng 8 năm nay, các ruộng đồng bỗng trở nên sôi động. Đó không phải là vụ mùa thu hoạch bắp, mì, hay mía mà là thu hoạch mè. Nếu như các năm trước, diện tích trồng mè ở khu vực Đông Nam tỉnh vẫn nằm ở một mức giới hạn nhất định thì năm 2015 nó bỗng tăng một cách đột biến. Nó là hệ quả trực tiếp của việc giá mè của mùa vụ trước lên đỉnh điểm 50 ngàn đồng/kg. Với mỗi ha đất, khi cây mè phát triển bình thường, thì chỉ cần hơn 2 tháng, người dân đã bỏ túi 40-50 triệu đồng. Nhưng mè vốn là cây dựa vào trời, vào đất chứ không phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của con người. Mà thời tiết không phải khi nào cũng mưa thuận, gió hòa nên cây mè cũng là loại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự khắc nghiệt của thời tiết.
    
Vừa sàng lô mẻ mới đập xong, chị Ngô Thị Xuyến (thôn Bình Trung, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) vừa buồn rười rượi. Với gần 2 ha đất, đầu mùa, chị cũng xạ mè cho “bằng chị, bằng em”. Chưa bao giờ trồng mè, chị cũng chỉ biết làm đất xạ giống rồi… để đó trông chờ vào trời đất. Tưởng chừng cây mè sẽ giúp kinh tế của ngôi nhà với 5 miệng ăn khấm khá hơn, nhưng tất cả chỉ mang lại sự hụt hẫng. “Năm trước, thấy người ta làm mè vừa nhàn vừa có tiền. Có người làm 1 ha được hẳn 10 tạ, bán giá từ 45 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng/kg, chi phí giống, cày bừa, thu hoạch thấp hơn nhiều so với trồng đậu. Nhưng năm nay, nhà tôi trồng gần 2 ha nhưng chỉ được 5-6 tạ, giá cả thì rớt xuống còn 30 ngàn/kg nên buồn quá”-chị Xuyến chia sẻ.

 

y
Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo chị Xuyến, trong vụ vừa rồi, nông dân vùng xã Chư Răng, Pờ Tó, huyện Ia Pa đều trồng mè. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa thất thường khiến cây mè phát triển không bình thường. Chị Xuyến than thở: “Khi ra hoa, đậu hạt thì trời nắng hạn nên hạt bị lép, khi không cần mưa thì lại mưa quá nhiều mà cây mè vốn không ưa nước nên bị úng rồi chết. Đặc biệt là nhiều nhà mè bị bệnh nấm, vì không biết cách chữa trị nên đành cày bỏ vứt đi mất trắng thôi. Đến lúc cắt để phơi chờ đập lấy hạt thì lại dính mưa nữa. Tóm lại năm nay “ông trời” không thương người nông dân chút nào cả”.

Bài học muôn thuở

Ở thị xã Ayun Pa, người nông dân cũng phải chịu thiệt hại nặng nề vì chạy đua theo “phong trào” trồng mè. Chị Văn Hữu Vinh (thôn Phu Ma Nhe 1, xã Ia Rtô) cho biết: “Mùa trước có đứa em trong nhà làm có 5-6 sào mè mà lời được hơn 40 triệu  đồng nên cũng ham trồng theo, chứ trước giờ đất chỉ để trồng bắp thôi. Ai ngờ đâu hạn hán nặng quá làm hạt mè lép, nhà trồng được 7 sào, mới thu hoạch trước 2 sào thì chỉ được 50 kg. Thà giá cả như năm trước thì cũng đỡ đần được phần nào tiền công, tiền giống chứ chỉ được hơn phân nửa của năm ngoái thì công bõ. Vị chi mỗi ha giảm hàng chục triệu đồng so với vụ trước, kiểu này năm sau lại trồng bắp thôi chứ trồng mè không ăn thua rồi”.

 

t
Ảnh: Văn Ngọc

Lý giải cho việc này, ông Lữ Phúc Phong-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Pa cho hay: “Năng suất cây mè năm nay hạ thấp vì thiệt hại nặng nề do hạn hán cũng như những cơn mưa bất thường trúng vào vụ thu hoạch khiến nông dân bị thất thu. Cây mè từ lúc làm đất, gieo hạt đến khi thu hoạch thì chỉ mất hơn 2 tháng mà gần như không tốn công chăm sóc, nhưng ngược lại, chính điều đó khiến nó phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết”. Ông Phong cho biết thêm, sở dĩ mè mất mùa nhưng rớt giá là do sản lượng mẹ vẫn tăng đột biến bởi diện tích trồng mè đã phá vỡ mọi kế hoạch gieo trồng. Tổng diện tích trồng mè của huyện Ia Pa vụ trước là 181 ha, kế hoạch gieo trồng vụ này là 200 ha. Tuy nhiên, bước vào mùa vụ, con số ấy đã đội lên là 543 ha tăng 300% so với cùng kỳ năm trước.

“Phòng Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân không nên ồ ạt luân canh sang cây mè bởi đây là loại cây phá đất mà nên trồng các cây họ đậu để cải tạo đất cũng như có sự chủ động và mang tín ổn định cao. Nhưng người dân vẫn chạy theo giá cả thị trường trước mắt để trồng mè phá vỡ cơ cấu cây trồng khiến mè rớt giá thảm hại như bây giờ”-ông Phong giãi bày.

Bài học cây mè không phải là điều gì quá mới mẻ, nó đã xuất hiện nhiều trên cây đậu, mía, bắp, mì, dưa hấu… Thế nhưng, không biết đến bao giờ nó mới thôi là một bài học để người nông dân chủ động được từng tấc đất, từng ngọn cây của chính mình chứ không bị cuốn theo cơn lốc thị trường nữa? Đó vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp với ngành nông nghiệp…

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm