TN - Đất & Người

Nông dân và giấc mơ… ớt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Nhìn thấy những sân phơi ớt đỏ rực trong nắng đừng tưởng bà con nông dân chúng tôi vui, mà ngược lại đấy. Chẳng qua cũng chỉ là giải pháp tình thế khi trái ớt không tìm được đầu ra hay giá bán sản phẩm thấp kỷ lục mới làm vậy”-ông Vũ Quốc Việt (thôn Tân Hòa, xã Tân An, huyện Đak Pơ) cho biết.

Bấp bênh giá ớt

Thực ra, ớt không chỉ tiêu thụ trong nước mà phần nhiều được xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên chịu sự chi phối giá từ thương lái. Sau thời gian trồng 3 tháng, cây ớt cho thu hoạch. Diện tích ớt khu vực phía Đông tỉnh khoảng 2.000 ha, với năng suất 7 tạ/ha/ngày cho mỗi đợt hái quả (5-7 ngày), sau đó nghỉ cách quãng chừng 7 ngày lại đến đợt thu hái kế tiếp. Thời vụ rộ lên từ tháng 12 năm trước đến hết tháng 5 năm sau; nhẩm tính, cả xã bình quân mỗi ngày thu hoạch xấp xỉ 10 tấn ớt tươi.

 

Nông dân thu hoạch ớt. Ảnh: internet
Nông dân thu hoạch ớt. Ảnh: internet

Thực tế qua nhiều năm cho thấy giá nông sản nói chung và giá ớt nói riêng phụ thuộc vào thời gian thương lái “ăn hàng”. Khi có xe đông lạnh từ các tỉnh phía Bắc đến mua hàng, kéo dài 7-10 ngày mỗi đợt, ớt có giá bán 20.000-40.000 đồng/kg; lúc khan hàng thì lên đến 45.000-50.000 ngàn đồng/kg. Mỗi đợt như vậy, họ thu mua chừng 50-70 tấn ớt. Nhưng phải mất 20 ngày sau, xe đông lạnh mới quay trở lại, trong khi đó hàng ngày nông dân vẫn thu hoạch, tức là trong quãng thời gian này có hàng trăm tấn ớt tươi “nằm chờ”. Đây là thời điểm các đại lý, thương lái bắt tay nhau “làm giá” khi thu mua chỉ 8.000-15.000 đồng/kg ớt, mức giá chỉ đủ trả công thu hoạch. Nhưng vì không có cách nào bảo quản trái ớt tươi đợi cho đến khi xe đông lạnh trở lại thu mua, nông dân đành bán với giá rẻ hoặc tự phơi khô bằng phương pháp thủ công, dù biết rằng chất lượng thành phẩm rất kém.

Giấc mơ kho đông lạnh

Trong suốt buổi nói chuyện với Ban Giám đốc Hợp tác xã (HTX) An Trường Phát (xã Tân An), câu chuyện về giá ớt đột nhiên chuyển sang nội dung xây dựng kho đông lạnh, xưởng sơ chế bảo quản ớt quy mô cho cả huyện Đak Pơ. “Hiện giờ, chúng tôi rất cần diện tích để xây dựng nhà kho 5.000 m2 nhằm lưu kho, sơ chế bảo quản 500 tấn ớt tươi lẫn khô đủ để điều tiết cho khách hàng quanh năm. Nếu bảo quản được nguồn hàng tươi trong thời gian 6 tháng sẽ không còn lo bị thương lái ép giá.

Ngoài ra, HTX sẽ là cầu nối giúp cho nông dân kết nối lại với nhau, tiếp cận với doanh nghiệp và người tiêu dùng nhanh nhất, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, qua khâu trung gian không đáng có. Cùng với đó, HTX còn đại diện cho nông dân ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp theo giá thị trường hàng năm, sau đó sẽ ký kết liên kết với nông dân, khuyến khích nhà nông tham gia vào HTX để được hỗ trợ về đầu tư, thị trường và bán lại sản phẩm cho HTX. Khi cần, chúng tôi chủ động sơ chế ớt khô nhằm làm ra các sản phẩm như tương ớt, ớt bột đóng gói chất lượng cao, lại có màu sắc đẹp”-ông Phan Thanh Hà-Phó Giám đốc HTX An Trường Phát bày tỏ. “Kinh phí đầu tư xây dựng kho xưởng dự kiến lên đến 5 tỷ đồng, lấy đâu ra?”-tôi hỏi. “Thì các thành viên HTX góp vốn, huy động từ người trồng ớt, vay ưu đãi theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Phát triển quy định tại Điều 6 của Nghị định 193/2013/NĐ-CP”-ông Hà tự tin cho biết.

Có được đầu ra ổn định, người sản xuất sẽ yên tâm. Mong rằng, giấc mơ xây dựng nhà kho đông lạnh, xưởng sơ chế bảo quản ớt của nông dân vùng chuyên canh cây ớt như xã Tân An sẽ sớm đi vào hiện thực.

Đình Phê

Có thể bạn quan tâm