Kinh tế

Nông nghiệp công nghệ cao: Hình thành mô hình sản xuất sản phẩm sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là thủ phủ của cây hồ tiêu, cùng nhiều nông sản chủ lực khác, Gia Lai vẫn được xác định trong quy hoạch vùng trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao và tùy điều kiện của địa phương mà triển khai thực hiện.

 Cung cấp rau sạch ra thị trường. Ảnh: Đức Thụy
Cung cấp rau sạch ra thị trường. Ảnh: Đức Thụy

Trên cơ sở đó, sau Hội nghị xúc tiến đầu tư Gia Lai năm 2016, nhất là từ kết quả Hội thảo sản xuất nông nghiệp công nghệ cao diễn ra trong khuôn khổ sự kiện, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng đề án thực hiện Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4-5-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. “Sở đã xây dựng đề cương, lập dự toán, nhiệm vụ… và đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND tỉnh đưa vào danh mục đề tài nghiên cứu trong năm 2017”-ông Lê Hữu Tuấn-Trưởng phòng Kế hoạch- Tài chính (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết. Trong quá trình thực hiện đề tài này, đơn vị tư vấn sẽ tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập tình hình sản xuất, chăn nuôi, cây-con giống, lấy ý kiến của địa phương… làm cơ sở cho việc thực hiện đề án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Đáp lại lời kêu gọi tha thiết của tỉnh, Tổng Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) đã đăng ký thực hiện dự án tại thị trấn Đak Đoa. Đây là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư sản xuất rau, hồ tiêu, cây giống… an toàn. Nhiều phần việc quan trọng của dự án đã được nhà đầu tư triển khai nhưng đang gặp vướng mắc ở khâu giải tỏa đền bù đất đai.

Khá thành công trong sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku) là địa chỉ tin cậy sản xuất rau an toàn, chất lượng. Công ty sản xuất các loại rau từ thông thường đến chất lượng cao, đầu tư xây dựng nhà lồng, nguồn cây giống chọn lọc, hệ thống tưới tiết kiệm, thiết bị sơ chế, bảo quản. Theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng-Giám đốc Công ty, thương hiệu rau sạch Hương Đất đã có chỗ đứng trên thị trường với trên 30 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm chất lượng cao như cải bó xôi, cà chua đen, xà lách xoong. Công ty đang đầu tư 2.000 m2 trồng rau thủy canh theo công nghệ của Thái Lan, cho năng suất gấp 2-3 lần và hàm lượng dinh dưỡng cao. Đặc biệt, sản phẩm này rất sạch, có thể ăn trực tiếp tại vườn. Với quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, nhiều sản phẩm của Hương Đất đang có mặt trong các chợ, siêu thị. Đồng hành với nỗ lực của doanh nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ về thủ tục cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, chất lượng sản phẩm, thiết bị sơ chế…

Trong khi chờ đợi đề án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao triển khai trong thực tế, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp-PTNT cụ thể là Chi cục Trồng trọt, Chi cục Thú y và một số ngành, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi nghiên cứu hình thành một số điểm/chuỗi giao dịch mua bán sản phẩm nông nghiệp an toàn. Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Sở Công thương, UBND TP. Pleiku phối hợp thí điểm thực hiện tại khu vực thành phố, sau đó nhân rộng ra các địa phương.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm