Bằng việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, nông sản của người dân xã Quảng Sơn (huyện Đăk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã có đầu ra ổn định, nâng cao giá trị. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, đói nghèo lùi xa dần.
Chuyển đổi cây trồng, liên kết sản xuất
Với tỷ lệ hộ nghèo chiếm rất cao, những năm qua, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quảng Sơn đã xác định đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13. Theo đó, song song với việc tuyên truyền, phổ biến cho nông dân việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chính quyền địa phương đã "bắc cầu" cho dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã để có đầu ra ổn định cho nông dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn - ông Lê Đình Tuấn, cho biết những năm qua, trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình liên kết đem lại hiệu quả tốt. Đơn cử, mô hình trồng dâu nuôi tằm của các hộ dân liên kết với Hợp tác xã Dano Farm (xã Quảng Sơn) đã phá thế độc canh cây công nghiệp dài ngày, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập.
Với việc liên kết sản xuất, nông dân không chỉ được hỗ trợ về kỹ thuật mà còn yên tâm về đầu ra sản phẩm. ảnh: Duy Hậu
Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Quảng Hợp) - một hộ dân liên kết với Dano Farm, cho biết với việc tham gia vào hợp tác xã để trồng dâu, mỗi năm gia đình tăng thêm thu nhập được từ 30 - 40% so với việc trồng độc canh cà phê, tiêu như trước đây. Quan trọng hơn là việc này đã giải quyết được mối lo về đầu ra của sản phẩm và không phải lo lắng khi giá cà phê, tiêu giảm.
Theo ông Tuấn, hiện có gần 100 gia đình, trong đó có 40% là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia liên kết trồng dâu nuôi tằm. Tất cả những nông dân này trước khi bắt tay vào sản xuất đều được phía Hợp tác xã Dano Farm giúp đỡ về kỹ thuật, cam kết về đầu ra cho sản phẩm nên nông dân rất phấn khởi, mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm.
Cũng theo ông Tuấn, ngoài mô hình liên kết trồng dâu nuôi tằm, trên địa bàn xã còn xuất hiện nhiều hợp tác xã, nhóm đồng sở thích trong việc sản xuất cà phê, lúa, cây ăn trái… Việc liên kết này còn giúp sản phẩm của nông dân cũng có đầu ra ổn định hơn, không còn tình trạng buôn bán manh mún nhỏ lẻ.
Đẩy lùi đói nghèo
Ông Lê Đình Tuấn khẳng định, với việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết, đời sống nhân dân đã có những đổi thay mạnh mẽ. Chỉ trong 5 tháng đầu năm, kết quả rà soát hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm từ 51,74% (thời điểm cuối năm 2018) xuống còn 44,61%.
Với đặc thù xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao, nhất là đồng bào di cư tự do từ phía Bắc vào khá lớn, việc canh tác chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thì việc liên kết sản xuất đã thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống mới, giống cây trồng phù hợp mà năng suất, hiệu quả sản xuất của nông dân ngày càng tăng lên.
Xã xác định về cơ bản vẫn lấy nông nghiệp là ngành sản xuất chính, tập trung mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do T.Ư và tỉnh, huyện hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình trọng điểm như thủy lợi, giao thông, nhà ở...”. ông Lê Đình Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn |
Nhờ các đầu mối hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm đầu ra nên nông dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa tránh được tình trạng thương lái ép giá.
"Trong thời gian tới, xã xác định về cơ bản vẫn lấy nông nghiệp là ngành sản xuất chính, tập trung mọi nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh, huyện hỗ trợ để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình trọng điểm như thủy lợi, giao thông, nhà ở... Qua đó, xã huy động mọi nguồn lực tập trung cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế và người dân chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí số 13), cùng nhau tạo nên cộng đồng trách nhiệm, mở hướng làm ăn để giúp các hộ còn khó khăn thoát nghèo" - ông Tuấn nói.
Duy Hậu (Dân Việt)