Đi qua chiến tranh với bao khó khăn gian khổ, khi trở về buôn làng, già Rơ Châm Phyal lại gánh vác nhiệm vụ “dắt” buôn làng bước qua hủ tục.
Già Rơ Châm Phyal nâng niu tấm bằng khen của UBND H.Ia Grai |
Chúng tôi đến thăm làng Tung Breng, xã Ia Krai (H.Ia Grai, Gia Lai) vào một chiều tháng 4 nắng như đổ lửa. Trên suốt tuyến đường, những cơn gió miền biên viễn cứ ràn rạt thổi qua, áp vào da người bỏng rát. Đến với huyện biên giới Ia Grai lần này, chúng tôi muốn ghé thăm nữ già làng Rơ Châm Phyal (75 tuổi). Bà là một trong những già làng tiêu biểu của núi rừng Tây nguyên có nhiều đóng góp trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
Cứu cả làng thoát mưa bom
Ông Ksor Thuyn, Chủ tịch UBND xã Ia Krai, cho biết những đóng góp của già làng Rơ Châm Phyal là vô cùng to lớn đối với người dân trong xã. Nhờ sự vận động của bà, đến nay địa phương đã cơ bản xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; không còn tình trạng thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình... |
Đón chúng tôi trước cổng, bằng cái bắt tay nồng ấm và nụ cười nhân hậu, chẳng ai nghĩ bà đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy. Rót chén nước trà đãi khách, vị nữ già làng kéo chúng tôi về những ngày xưa cũ.
Giống như những người con gái Jarai khác, Rơ Châm Phyal cũng được sinh ra giữa đại ngàn, bên dòng Sê San (sông Pô Kô). Xung phong tham gia kháng chiến khi mới tròn 15 tuổi, Phyal nhận nhiệm vụ làm giao liên, gùi công văn đến các cơ sở, vận chuyển lương thực thực phẩm, thuốc men, súng đạn... từ B12 về B13 (xã Ia Khai về xã Ia O). “Mình không biết là bao xa nữa, chỉ biết quãng đường phải đi hết 1 ngày 1 đêm, có khi 2 ngày 1 đêm mới tới. Thương bộ đội nên cũng không biết mệt cái chân đâu”, già Phyal nhớ lại.
Trong một lần làm nhiệm vụ, Phyal vô tình biết được kẻ địch sắp cho ném bom khu vực bến đò A Sanh, sát ngay làng Nú. Vậy là Phyal quên ăn quên ngủ, đi một mạch từ khu căn cứ về làng Nú báo tin. Lập tức, cả làng liền kéo nhau lên rừng tránh. 3 giờ chiều hôm đó, B52 của địch ném bom, oanh tạc làng Nú, bến đò A Sanh. Cả làng thoát chết. Người già, thanh niên đều mang ơn cô gái trẻ Phyal. Cũng từ đây Phyal được bầu làm bí thư Đoàn.
Dắt dân bước qua hủ tục
Chiến tranh kết thúc, Phyal được bầu làm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Ia Krai. Phyal luôn trăn trở trước cái nghèo, cái đói của dân làng. Hầu hết người dân trong xã ngoài làm ruộng thì chỉ biết thêm một nghề nữa là tìm vỏ bom, đạn để bán phế liệu lấy tiền. Để giúp dân phát triển kinh tế, Phyal một mặt cho dân làng mượn đất sản xuất, mặt khác tuyên truyền về mối nguy hiểm từ bom đạn, tác hại của sinh đẻ không có kế hoạch. Rồi bà hướng dẫn bà con biết cách trồng cây cao su, cà phê. Nhiều gia đình thiếu vốn làm ăn, tiền đi viện, tiền ma chay... Phyal đều dành dụm cho mượn.
Năm 1986, Phyal được người dân bầu làm chủ tịch xã. Thời điểm này, thấy người dân tổ chức nhiều lễ cúng rất lãng phí như cúng rẫy, cúng tỉa hạt, cúng lúa mới, cúng giọt nước..., bà lại tìm đủ mọi cách dắt dân bước qua hủ tục. “Người dân làm được 5 đồng thì cúng mất 3 đồng rồi. Bởi vậy nên chẳng nhà nào có của để dành. Vậy là mình lại đến từng nhà, nói từng người phải bỏ hủ tục mới phát triển kinh tế, mới giàu có được. Mình đi vận động hết tháng này qua năm khác. Cuối cùng dân làng cũng nghe theo, dần dần bỏ hết các hủ tục, lễ cúng lạc hậu, chỉ giữ lại những ngày lễ lớn”, bà Phyal kể.
Ở các buôn làng Gia Lai, già làng thường là nam. Thế nhưng, khi về hưu vào năm 1999, già Phyal được toàn thể dân làng Tung Breng bầu làm già làng, trân trọng bà như một nữ anh hùng của buôn làng.
Trước những đóng góp của mình, vừa qua già Phyal vinh dự được nhận bằng khen của UBND H.Ia Grai về người uy tín tiêu biểu. Bà cũng là 1 trong 65 đại biểu của tỉnh Gia Lai tham dự hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc khu vực Tây nguyên.
Đức Nhật (thanhnien)