Chính trị

Nữ đảng viên kiên trung trong vùng địch hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Là tôi đang muốn nói đến nữ đảng viên Văn Thị Ngọc. Chị vào Đảng ngày 15-9-1972, khi mới bước qua tuổi 18. Lúc bấy giờ, K.8 (An Khê) là địa bàn rất ác liệt.

Sau thất bại trên chiến trường Trung Trung Bộ và Tây Nguyên trong chiến dịch Xuân-Hè 1972, ở địa bàn An Khê, địch điên cuồng mở nhiều đợt càn quét, đánh phá vùng ngoại vi, lẫn nội thị (dưới chế độ cũ, An Khê là quận An Túc, thuộc tỉnh Bình Định) hòng đánh bật các lực lượng vũ trang và các đội công tác của ta ra khỏi địa bàn. Chị Ngọc khi đó là một trong những đảng viên, cơ sở cách mạng hoạt động đơn tuyến trong lòng địch.

Chị Ngọc kể, cha mẹ chị đã từng tham gia hoạt động kháng chiến ở địa phương (Bình Khê, nay là xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) trong thời kỳ chống Pháp. Năm 1955, cả gia đình chị lên định cư ở An Khê. Sau mấy năm mất liên lạc với tổ chức, đến năm 1963, cha mẹ của chị đã móc nối lại với Đội công tác vũ trang thị trấn An Khê.

Và bắt đầu từ đó, cả nhà chị tham gia công tác cơ sở mật với nhiệm vụ được tổ chức giao là hàng ngày, hàng tuần nắm tình hình hoạt động của địch trong thị trấn An Khê để báo cáo cho cán bộ bên ngoài qua hộp thư bí mật, đồng thời làm nhiệm vụ tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết cho cách mạng.

Ở ấp An Mỹ (nay thuộc phường An Phú, thị xã An Khê) lúc ấy chỉ có trên 50 hộ, địa bàn sát quận lỵ An Túc. Vì vậy, bọn tề ngụy ra sức khống chế bà con ở đây, nhất là các tên ấp trưởng, ấp phó an ninh quản lý gắt gao những người đi làm ruộng rẫy bên ngoài hòng phát hiện, ngăn chặn cơ sở của ta tiếp tế cho... cộng sản.

Có lần, chúng đã phát hiện cơ sở của ta mang theo lương thực, thực phẩm, thuốc men khi đi làm nương rẫy. Bọn chúng bắt hết những cơ sở trong “Ban cán sự Nhân dân” bí mật của ta, đánh đập, tra tấn dã man và nhốt ở Chi khu Cảnh sát quận An Túc, trong đó có cả cha mẹ của chị Ngọc.

Bà Văn Thị Ngọc và cháu ngoại. Ảnh: Ngọc Minh

Bà Văn Thị Ngọc và cháu ngoại. Ảnh: Ngọc Minh

Lúc này, chị Ngọc mới 14 tuổi. Lợi dụng kẻ địch không nghi ngờ vì tuổi còn quá nhỏ, chị nhận nhiệm vụ thay cho cha mẹ mình và những cơ sở khác, nối lại “đường dây liên lạc” trong vùng địch hậu. Đặc biệt, chị Ngọc còn đảm nhiệm công việc vô cùng nguy hiểm là rải truyền đơn, dán áp phích do các cô chú trong Đội công tác giao.

Có một thời gian (khoảng giữa năm 1970), cơ sở vùng Bắc An Khê bị “vỡ” vì một cán bộ của ta đầu hàng giặc. Chị Ngọc được giao nhiệm vụ tìm cách liên lạc, móc nối lại từ bên trong với các cơ sở đã lâu “nằm im” trở lại hoạt động. Nhiệm vụ này không hề dễ dàng trước những con “mắt cú” của bọn mật vụ, thám báo trong vùng. Nhưng với tinh thần cách mạng, chị đã khôn khéo vượt qua sự theo dõi của bọn mật vụ, thám báo để hoàn thành công việc cấp trên giao.

Chị kể: Sau này, có nhiều người bảo đã nhiều lần thấy chị đi rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ ngụy ở những chỗ nào, chỗ nào và hay đi đến những “nơi nhạy cảm” nhưng họ không báo cho địch. Đúng là, bà con mình nhiều người dẫu sống trong lòng địch nhưng luôn tin tưởng vào cách mạng thì dù kìm kẹp gắt gao bao nhiêu của giặc cũng không ngăn cản được lòng yêu nước của họ.

Trong mạng lưới cơ sở mật của chị còn có các cô, các chị Nguyễn Thị Long, Nguyễn Thị Năm (mẹ của chị Ngọc), Nguyễn Thị Nổi, cô Tùng, họ là những cơ sở hoạt động tích cực.

Tôi vẫn còn nhớ ngày 14-3-2018, tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ An Khê, chị Ngọc được Ban tổ chức mời đến để kể cho các đại biểu dự lễ nghe về những ngày tháng tham gia cách mạng, sống trong lòng địch với bao cạm bẫy rình rập, kìm kẹp, đàn áp, bắt bớ của quân thù.

Dù đã có lần bị lộ, chúng bắt chị và cả gia đình, cả các cơ sở khác trong vùng giam cầm, tra tấn dã man, nhưng chị vẫn một lòng một dạ trung thành với cách mạng, không một lời khai báo tổ chức của mình cho địch.

Và, chị được kết nạp vào Đảng, một đảng viên trẻ được tổ chức tin tưởng. Không phụ lòng tin ấy, chị tích cực hoạt động, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho đến ngày về nghỉ hưu.

Dẫu đã về nghỉ hưu sau khi đã trải qua nhiều công việc ở địa phương sau ngày giải phóng, nhưng chị vẫn là một đảng viên luôn gương mẫu chấp hành và giáo dục con cháu, vận động bà con trong khu dân cư nơi cư trú chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gần gũi, giúp đỡ bà con xóm làng những công việc trong điều kiện có thể.

Tôi vô cùng cảm động khi nghe chị bày tỏ: “...Tôi xin hứa trước Đảng bộ và Nhân dân thị xã An Khê, từ nay đến cuối đời, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập để giữ vững phẩm chất của một cán bộ, đảng viên gương mẫu, một công dân tốt trong lòng người dân nơi cư trú”.

Có thể bạn quan tâm